TỌA ĐÀM: "Chảy máu" dược liệu và vấn đề bảo tồn, phát triển, nâng cao giá trị dược liệu"
Theo số liệu của Viện Cây trồng Trung ương, Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật, thì trong đó có khoảng 6.000 loài cho công dụng làm thuốc. Nhiều loài cây dược liệu được xếp vào hàng quý hiếm trên thế giới. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh và Y học cổ truyền của nước ta.
Năm 1996, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/CP, ngày 20/6 về “Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam”. Đồng thời có chiến lược phát triển Y học cổ truyền, thuốc sản xuất trong nước phải đáp ứng được 60% nhu cầu của bệnh viện, trong đó ít nhất có 30% số thuốc được sản xuất trong nước có nguồn gốc từ dược liệu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù ở nước ta có rất nhiều loài cây cho công dụng làm thuốc, nhưng lâu nay do khai thác quá mức và không được quản lý tốt, nên nhiều cây thuốc quý đã tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, mặc dù đã được chú trọng, nhưng nhiều nơi vì lợi ích ngắn hạn, người dân vẫn bán các dược liệu quý cho các thương lái nước ngoài, rồi xuất qua kênh tiểu ngạch, nên hiệu quả kinh tế rất thấp.
“Chảy máu dược liệu” là một vấn đề nhức nhối chưa có lời giải. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng “Chảy máu dược liệu”, bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị các dược liệu quý của nước ta, là câu chuyện đang được rất nhiều người quan tâm hiện nay.
Và để cùng bàn luận về một số chính sách liên quan đến chủ đề trên, trong chuyên mục "Gieo trí tuệ, gặt mùa vàng" Tạp chí Nông thôn mới đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Chảy máu" dược liệu và vấn đề bảo tồn, phát triển, nâng cao giá trị dược liệu".