Y tế

Giao trách nhiệm cụ thể khi triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gây

08:41 16/07/2023 GMT+7
Để chủ động phòng dịch bệnh do muỗi truyền vì hiện tượng El Nino, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy.
Các địa phương tăng cường tuyên truyền các hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy để người dân hiểu và chủ động thực hiện.

WHO nhận định, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản.

Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Hiện nay, thời tiết cũng đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023; duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố giao ngành y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương, đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên, đạt tỉ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện. Đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Các địa phương tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, như: Các biện pháp diệt muỗi, nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền, hướng dẫn người dân khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục
Tin khác