Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Nông dân Bắc Giang trồng giống lúa QR15 thân thiện với môi trường

Hoàng Tính - 10:09 15/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong quá trình canh tác vụ mùa 2022 với giống lúa QR15, các hộ nông dân ở xã Hồng Kỳ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đều có chung nhận xét: Đây là giống có nhiều ưu điểm nổi bật như đẻ nhánh mạnh, cây chắc khoẻ, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, hạt thóc dài, mẩy và năng suất cao đạt 70 tạ/ha.

Nhằm đưa giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của huyện Yên Thế, trong vụ mùa 2022 Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Hội Nông dân xã Hồng Kỳ triển khai mô hình cấy lúa QR15 tại xã Hồng Kỳ với tổng diện tích là 27 ha, có 219 hộ tham gia.

Bà con nông dân xã Hồng Kỳ vui mừng vì năng xuất của giống lúa QR15

Triển khai mô hình cấy lúa QR15, các hộ dân ở xã Hồng Kỳ đã được tập huấn và hướng dẫn sản xuất lúa theo kỹ thuật thâm canh hướng thân thiện với môi trường, sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trong quá trình triển khai, các hộ gia đình ở xã Hồng Kỳ đã đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật như: Gieo sạ theo đúng lịch thời vụ, làm đất, gieo mạ, bón phân đầy đủ, bón đúng thời kỳ sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh kịp thời… Chính vì vậy, diện tích lúa phát triển tốt.

Chị Dương Thị Loan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Kỳ cho biết: Là người trực tiếp theo dõi mô hình, chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm của Hội Nông dân huyện Yên Thế, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang) và sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự nhiệt tình của các hộ nông dân tham gia mô hình... nên công tác chỉ đạo và triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật diễn ra thuận lợi, đúng yêu cầu kỹ thuật.

Trên đồng đất xã Hồng Kỳ, giống lúa QR15 đã thể hiện nhiều đặc điểm điển hình, nổi bật như: Khả năng đẻ nhánh mạnh, dảnh to, khỏe, bản lá to và dày, đặc biệt là góc lá đứng. Đây là yếu tố cơ bản tạo độ thông thoáng trên đồng ruộng, hạn chế sâu bệnh hại và tăng hiệu suất quang hợp, tạo tiền đề nâng cao năng suất lúa. Tỷ lệ nhiễm sâu bệnh thấp, đặc biệt là khả năng chống đổ tốt hơn rất nhiều so với các giống khác. Hạt thóc dài và mẩy tạo nên năng suất bình quân cao, tỷ lệ hạt lép rất thấp. Chính vì vậy, hiệu quả thực tế tại mô hình đã đạt năng suất 70 tạ/ha. Qua hạch toán kinh tế cho thấy, sau khi trừ chi phí, lãi thu được từ mô hình gieo cấy giống lúa QR15 cao hơn so với giống lúa khác cùng thời điểm trồng tại địa phương.

Với năng suất đạt 70 tạ/ha, QR15 đang là giống lúa hứa hẹn đem đến những vụ mùa vàng cho bà con nông dân trong thời gian tới

Sự thành công của mô hình đã khẳng định được sự vào cuộc của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang trong việc thích ứng kịp thời, tìm ra những giống lúa mới để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất lúa của bà con nông dân, góp phần ổn định cơ cấu giống lúa của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Mô hình cấy lúa QR 15 ở xã Hồng Kỳ đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong việc tuyên truyền hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và kỹ thuật chăm sóc lúa mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho hội viên nông dân.

Để mô hình được nhân rộng trên địa bàn xã Hồng Kỳ và các địa phương khác, trong thời gian tới Hội cần tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân về việc chủ động tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi sang những loại giống mới, có năng suất chất lượng cao đưa vào áp dụng sản xuất tại đại phương. Đồng thời, cần quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa tại đại phương.

Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, việc triển khai Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường mục tiêu là nhằm xây dựng mô hình sử dụng giống lúa mới, năng suất cao; khuyến khích nông dân trồng lúa sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh thay thế phân bón hóa học.

Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường

Là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới; áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả sản xuất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ môi trường sinh thái; hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học hoặc thảo mộc; giảm phân hóa học và tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Quản lý hiệu quả các phế phẩm như: bao bì, chai lọ chứa thuốc BVTV được bỏ vào thùng chứa rác theo quy định.

Kỹ thuật tưới nước ướt - khô xen kẽ theo nguyên tắc chung: cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước, mà chỉ cần nhiều nước trong giai đoạn lúa non (để ém cỏ)  và trong giai đoạn trổ (để lúa kết hạt tốt). Các giai đoạn khác, nông dân áp dụng biện pháp tưới ướt - khô xen kẽ là được. Trong bất kỳ giai đoạn canh tác nào, lớp nước ngập tối đa 5 cm tùy theo chân ruộng và thời kỳ nhất định để lúa sinh trưởng phát triển một cách tốt nhất.

Áp dụng Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường đều cho thấy: Giảm lượng giống 20-25%; giảm lượng phân bón đạm từ 20-25%; tăng năng xuất lúa cao hơn từ 5-10%... và đặc biệt là giảm lượng nước trong quá trình sản xuất lúa.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác