Phong trào nông dân

Phong trào làm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên

Nguyễn Lan - 07:52 06/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã lan tỏa sâu rộng, thu hút nông dân (ND) tham gia, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
 Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cá giống cho hộ hội viên nông dân xã Phú Thịnh.

Những nông dân thời đại mới 

Bà Trần Thị Huệ và ông Nguyễn Văn Đài ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái đã đưa nhiều loại cây trồng mới vào phát triển kinh tế và cho hiệu quả cao. Năm 2019, ông bà đã đưa ổi Đài Loan vào trồng và trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Ông Đài cho biết, đầu tiên trồng cũng hoang mang, nhưng ông trồng thử trên đất gò và thấy cũng hiệu quả. Vườn ổi của ông được trồng theo mô hình VietGAP nên khách hàng rất tín nhiệm, ủng hộ. Mỗi năm gia đình ông cũng tiêu thụ được 3 tấn ổi tại nhà.

 Xác định sản xuất nông nghiệp xanh góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, vợ chồng ông Đài đã trồng ổi theo hướng an toàn hữu cơ đồng thời ứng dụng KHKT. Từ khi lựa chọn cây giống cho đến chăm sóc, việc làm cỏ cũng được gia đình ông làm hoàn toàn thủ công. Quả ổi cũng được bảo vệ bằng cách dùng các túi ni lon để bọc cẩn thận ngay từ lúc quả còn nhỏ. Ổi Đài Loan là giống dễ trồng, có giai đoạn sinh trưởng ngắn lại cho thu hoạch quanh năm, tỉ lệ đậu quả và năng suất cao, ít sâu bệnh. Nếu chăm sóc tốt có thể thu 2,2 đến 2,5 tấn quả mỗi sào/năm, gấp 1,5 đến 2 lần so với mô hình trồng ổi thông thường. Khi chín, giống ổi này thường có mùi thơm, quả đẹp, cùi dày, sáng màu, khi ăn có vị ngọt, vì thế rất được thị trường ưa chuộng.

 Hiện nay, gia đình ông Đài đã nhân rộng mô hình lên 500 gốc ổi với diện tích trên 1ha. Mỗi năm vườn ổi của gia đình ông đem về nguồn thu từ 200 đến 300 triệu đồng.

 Với sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng, vợ chồng ông Đài đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao. Qua đó góp phần tiếp thêm động lực cho nhiều nông dân trên địa bàn học hỏi phát triển kinh tế.

Để thúc đẩy phong trào, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Nông dân (ND) huyện Văn Chấn đã phối hợp với Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh thẩm định Dự án “Trồng và chăm sóc rừng kinh tế” tại thôn Thanh Tú và thôn Lường, xã Đại Lịch với số tiền 500 triệu đồng cho 10 hộ vay. Hội cũng tiếp tục điều hành và quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay từ các ngân hàng đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả với tổng dư nợ trên 260 tỷ đồng cho gần 3.600 hộ hội viên ND vay vốn để đầu tư vào phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

 Ông Phan Nguyên Hà, Chủ tịch Hội ND huyện Văn Chấn cho biết: “Hội viên ND đã tích cực tham gia phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Chúng tôi cũng tập trung giúp đỡ cho ND được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới cũng như hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi”. 

 Mô hình nuôi chim bồ câu đang mang lại hiệu quả cao cho nhiều gia đình trên địa bàn. Là người trẻ tuổi, tiếp cận nhiều với internet, anh Hờ A Sùng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải nhận thấy nhiều gia đình giàu lên nhờ nuôi chim bồ câu. Anh Sùng đã bàn với gia đình vay vốn đầu tư chuồng trại để nuôi chim. Năm 2020, anh khởi nghiệp với vài chục cặp chim bồ câu. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh Sùng lựa chọn cho mình hướng đi mới là gắn bó với giống bồ câu lai nhờ đó tiếp cận nhanh với thị trường. Được Hội ND xã cho vay vốn 90 triệu đồng, anh Sùng nhập thêm giống và mua thêm lồng nuôi chim. 

 Anh Sùng áp dụng mô hình nuôi nhốt để bồ câu được cách ly với môi trường nên bệnh dịch giảm. Bên cạnh đó, bồ câu lai không kén ăn, có thể ăn tất cả các loại ngũ cốc, gạo, ngô, các loại đậu và đặc biệt là có thể cho ăn thêm cám viên. Tích lũy kiến thức thông qua sách vở và các phương tiện thông tin đại chúng, anh Sùng đã xây dựng cho mình 1 quy trình nuôi khoa học. Mỗi ngày anh dành khoảng 2 đến 3 tiếng chăm sóc và dọn dẹp chuồng trại. Đặc biệt anh chú trọng chăm sóc bồ câu non và chủ động mua máy ấp trứng để cung cấp con giống có chất lượng, phục vụ việc nhân đàn.

 Với giá bán trên thị trường hiện nay là 160 nghìn đồng/đôi bồ câu thương phẩm và 260 nghìn đồng/đôi bồ câu giống, trừ các khoản chi phí, 100 cặp chim bồ câu cho lãi khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay anh Sùng đang sở hữu 300 cặp chim bồ câu giống, trở thành một trong những địa chỉ cung cấp chim bồ câu non, chim giống và chim bồ câu thương phẩm tại địa phương. 

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, số lượng hộ nuôi chưa nhiều, trong khi điều kiện phát triển chim bồ câu theo hình thức nuôi nhốt, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Do đó, cơ hội làm giàu từ nuôi chim bồ câu vẫn đang rất rộng mở với nhiều nông dân trên địa bàn.

 Ngoài nuôi chim bồ câu, đến nay trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có nhiều mô hình về phát triển kinh tế như nuôi cá nước lạnh, trồng hoa hồng, trồng nấm, cà chua, ớt…

Mô hình nuôi chim bồ câu lai nhốt lồng của anh Sùng được đánh giá là tiêu biểu trong sáng tạo khởi nghiệp tại Yên Bái. 

Đồng hành cùng nông dân

Thời gian qua, Hội ND tỉnh Yên Bái đã tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành hiện thực hóa chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vận động các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực. Hội đã hỗ trợ ND về vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, qua bình xét, toàn tỉnh  đã có 44.250 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đã có 48 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.

6 tháng đầu năm 2024, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND các cấp, Hội ND tỉnh Yên Bái đã giải ngân 6 dự án với số tiền 3,5 tỉ đồng; phối hợp với các ngân hàng giải ngân trên 2.430 tỉ đồng cho 3.200 hộ vay phát triển các mô hình kinh tế.

Năm 2024, tỉnh Yên Bái có trên 73 nghìn hộ đăng ký SXKDG các cấp. Để hỗ trợ hội viên, Hội ND tỉnh tiếp tục hỗ trợ mới 5 HTX, 23 tổ hợp tác, xây dựng mới 14 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, đồng thời, duy trì hoạt động 53 HTX, 538 tổ hợp tác. 

“Để đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, năm 2024 Hội tiếp tục tổ chức tuyên truyên, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cũng như tạo nguồn vốn vay cho hội viên nông dân”.
Bà Nguyễn Phương Đông - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác