Nông nghiệp

Gỡ khó để chăn nuôi gắn với chế biến sâu và xuất khẩu

21:18 15/11/2019 GMT+7
Một trong những vấn đề đáng chú ý trong tuần qua chính là việc Bộ NN&PTNN tổ chức đánh giá kết quả chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn mới. Nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng Việt Nam cần phải gỡ khó cho chăn nuôi,

Một trong những vấn đề đáng chú ý trong tuần qua chính là việc Bộ NN&PTNN tổ chức đánh giá kết quả chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn mới. Nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng Việt Nam cần phải gỡ khó cho chăn nuôi, nhằm xây dựng ngành Chăn nuôi gắn với chế biến sâu và xuất khẩu nhằm tăng chuỗi giá trị ngành.

Bước tiến mới trong xuất khẩu gà

Vừa qua, Bộ NN&PTNN đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040” ở cả hai miền Bắc – Nam.

Ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm từ gà đang là điểm sáng trong ngành Chăn nuôi Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNN, tính đến hết tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi đã đạt 855,4 triệu USD. Trong số đó dẫn đầu là xuất khẩu thịt lợn với gần 8.800 tấn thịt lợn, trị giá 44 triệu USD. Tiếp đó là xuất khẩu gần 17.800 tấn thịt gia cầm, trị giá 18,8 triệu USD và 7,4 triệu quả trứng, trị giá 1,4 triệu USD. Xuất khẩu mật ong cũng đã đạt được gần 23.000 tấn, trị giá 28,7 triệu USD. Ngoài ra xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa cũng đạt 230 triệu USD. Việc xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đạt 516 triệu USD. Theo dự tính, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cả năm 2019 có thể đạt tới 1,2 tỷ USD.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNN cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi đã góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển ngành Thực phẩm và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm 2017 đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành Chăn nuôi gia cầm khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được chính ngạch thịt gà chế biến và quan trọng là xuất khẩu được sang Nhật Bản, một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tổng khối lượng đạt 1.080 tấn có giá trị gần 6 triệu USD. Tổng sản lượng thịt gia cầm xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam (bao gồm cả hàng nhập khẩu để chế biến xuất khẩu) đạt 25.762 tấn, tăng 124% so với năm 2017.

Trong năm 2018, Việt Nam cũng xuất khẩu được gần 40 triệu quả trứng các loại. Hiện có 9 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trứng gà thương phẩm và sản phẩm trứng muối sang Singapore, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Australia và Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, có 1 doanh nghiệp được xuất khẩu trứng gà giống sang Myanmar.

“Xuất khẩu gà và các sản phẩm từ gà (trứng) thực sự là điểm sáng nổi bật, đánh dấu bước ngoặc lịch sử trong ngành Chăn nuôi của Việt Nam” – ông Tiến khẳng định.

Đáng chú ý, cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Sữa TH đã ký kết hợp đồng xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên với đối tác Trung Quốc, mở ra cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu sữa Việt Nam bởi Trung Quốc đang là thị trường có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu sữa rất lớn.

Trước đó, cuối tháng 10 Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istán Nagy cắt băng khánh thành Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis hiện đại nhất miền Bắc tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Phạm Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia đơn vị vận hành Nhà máy này cho biết: Hiện tại, đây là Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm hiện đại nhất miền Bắc Việt Nam, có công suất 4.500 con/giờ ở giai đoạn 1 và sẽ nâng lên 9.000 con/giờ ở giai đoạn 2. Đây là dự án liên danh giữa Công ty CP Nông sản Gia Phú và Tập đoàn Master Good (Hungagry), với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Đại diện Tập đoàn Master Good khẳng định: “Sự ra đời của Nhà máy này chắc chắn sẽ khởi đầu cho một cuộc cạnh tranh đối với lĩnh vực giết mổ gia cầm xuất khẩu tại Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi không sợ”. Hiện tại hệ thống Nhà máy giết mổ gia cầm của Master Good có quy mô lớn thứ 3 trên thế giới, sản phẩm xuất khẩu đến 48 quốc gia.

Đây là Dự án tổng thể nhằm khép kín chuỗi sản phẩm thịt gia cầm, bao gồm 10 hạng mục. Trong đó hạng mục chính là trang trại sản xuất giống, trại chăn nuôi gà thịt, nhà máy giết mổ gia cầm, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, nhà máy chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm.

Do đó, dự kiến chỉ vài tháng sau, lô sản phẩm từ nhà máy Viet Avis tại Thanh Hóa có thể xuất khẩu, trong đó có cả các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông… giúp nâng tầm giá trị sản lượng cho ngành Chăn nuôi gà.

Vẫn gặp quá nhiều rào cản

Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù những năm qua ngành Chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân trong nước và một phần cho xuất khẩu, tuy nhiên nội tại của ngành vẫn còn nhiều tồn tại.

Ông Dương phân tích: “Đa phần mô hình chăn nuôi đều có quy mô nhỏ, mức đầu tư thấp, trình độ quản lý kém khiến năng suất, chất lượng thấp, khó kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, năng lực giết mổ tập trung và chế biến sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu giết mổ nhỏ lẻ và chế biến thủ công nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, khó tiếp cận thị trường xuất khẩu”.

Một điểm yếu khác của ngành Chăn nuôi là thiếu tính liên kết, chưa xây dựng được các chuỗi giá trị thực phẩm từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Chính bởi vậy giá trị chuỗi còn thấp.

Một số các doanh nghiệp cũng cho biết là các nước sẵn sàng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Song điều họ lo ngại chủ yếu là về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đặc biệt là việc Việt Nam chưa có những bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi và thiết chế để thực hiện. Điển hình là việc nhiều đối tác muốn ký kết nhập khẩu vịt Việt Nam nhưng chưa triển khai được do lo ngại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với ngành gà cũng vậy. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT thông báo việc nhiều nước như Mỹ, Australia… rất muốn nhập khẩu các mặt hàng chăn nuôi của Việt Nam với đơn hàng lớn. Tuy nhiên, “khi bắt tay vào xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do Việt Nam và các nước chưa có hiệp định về thú y”.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia trong giai đoạn 2020 – 2030, ngành Chăn nuôi định hướng phát triển các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, các sản phẩm chăn nuôi quốc gia bao gồm: Lợn, gia cầm, bò sữa, bò thịt được sản xuất theo hướng hàng hóa trong các trang trại hiện đại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp để đảm bảo năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành Chăn nuôi đề ra nhiều giải pháp như: đổi mới khoa học và công nghệ chăn nuôi; thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh bằng chăn nuôi an toàn sinh học; nâng cao năng suất, chất lượng con giống, quy hoạch và tổ chức hiệu quả hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, ưu tiên chế biến sâu.
Quan trọng nhất là phải tổ chức được các ngành hàng chăn nuôi theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã, giảm thiểu tối đa các hộ chăn nuôi ngoài chuỗi, không biết nuôi theo tiêu chuẩn nào và bán cho thị trường nào.

Tuy nhiên để ngành Chăn nuôi phát triển bền vững thì ngoài việc xây dựng chiến lược, đảm bảo tính liên kết chuỗi sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ quan quản lý nhà nước còn phải làm tốt định hướng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng giờ đây sản xuất chăn nuôi cũng đã đa dạng hơn. Vùng sản xuất tập trung xen kẽ lỗi sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra, nhất là khi xu hướng cạnh tranh trong nước và quốc tế mạnh mẽ. Chính bởi vậy, cần tăng cường định hướng, dự báo về nhu cầu của thị trường để doanh nghiệp và người chăn nuôi có kế hoạch chủ động sản xuất.

“Nếu chỉ tập trung gia tăng tổng đàn, sản lượng chăn nuôi mà không làm tốt khâu định hướng, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thì rất dễ xảy ra tình trạng mất cân đối cung – cầu như vậy thì ngành Chăn nuôi sẽ phá sản” – ông Mấy nói. 

“Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh cơ hội xuất khẩu thì sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cũng phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm nhập khẩu. Chính vì vậy, người chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tăng cường xây dựng thương hiệu để củng cố thị phần tiêu dùng trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác