Nông thôn mới

Hà Giang nỗ lực chuyển đổi số toàn diện

Duyên Anh - 13:27 23/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau hơn 2 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết chuyên đề số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS ) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay 100% các xã, phường, thị trấn có sóng di động và mạng Internet cáp quang; một số mô hình chợ 4.0 hình thành; 100% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã lên sàn thương mại điện tử.

Khắc phục “vùng lõm sóng” để thúc đẩy chuyển đổi số

Sau hơn 2 năm thực hiện CĐS, tỉnh Hà Giang đã đạt được kết quả nổi bật trên của 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Triển khai và duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh với quy mô triển khai 236 điểm, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng việc kết nối, tổ chức các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp trên địa bàn tỉnh; đầu tư trục chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tổ chức 105 lớp đào tạo, tập huấn cho 117.281 hộ sản xuất, hợp tác đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao internet là 37,3%; tỷ lệ dân số có điện thoại đạt khoảng 63,2%.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, CĐS ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quyết liệt, mức độ sẵn sàng CĐS của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao. Tỷ lệ người dân có điện thoại di động thấp, chưa có điều kiện tiếp cận thông tin. Cơ sở vật chất, trang thiết bị về công nghệ thông tin còn thiếu, lạc hậu. Đến nay, tỉnh còn 36 thôn, bản chưa có sóng di động, có nhiều khu vực chất lượng phủ sóng thấp, chưa ổn định; nhiều thôn bản chưa có điện, khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí về hạ tầng số. Thiếu nhân lực về công nghệ thông tin ở hầu hết các cơ quan từ tỉnh đến xã…

Trước yêu cầu CĐS, đảm bảo thông tin liên lạc, học tập, làm việc trực tuyến ngày càng cao, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khắc phục tình trạng “lõm sóng” ở nhiều khu vực để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông. Tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành cấp tỉnh, huyện; Ban chỉ đạo CĐS cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn; ký kết biên bản hợp tác với các Tập đoàn FPT, VNPT, Viettel để tranh thủ và huy động nguồn lực.

Lực lượng thanh niên trong các Tổ công nghệ số cộng đồng giúp người dân tiếp cận các phần mềm số.

Với 400 nghìn thuê bao chiếm hơn 60% tổng số thuê bao toàn tỉnh, chi nhánh Viettel Hà Giang đang có 100 điểm lõm sóng lớn từ 30 hộ trở lên, 400 điểm lõm sóng trung bình và nhỏ. Đây là những khu vực chưa có điện, địa bàn phức tạp, nên chi phí xây dựng các trạm phát sóng rất lớn. Để giải quyết khó khăn này, chi nhánh Viettel Hà Giang đã phải huy động mọi nguồn lực, xác định chính xác tọa độ khu vực và quy mô lõm sóng; đánh giá khả năng, giải pháp kỹ thuật để lắp đặt trạm phát sóng phù hợp.

Tỉnh chú trọng phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông mạng di động 3G, 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G. Đến nay, toàn tỉnh có 2.833 trạm thu phát sóng (BTS) trong đó 734 trạm 2G, 1.010 trạm 3G, 1.086 trạm 4G, 3 trạm 5G. Tối ưu mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng di động được 118 thôn/154 thôn trắng sóng.

Cán bộ kỹ thuật VNPT kiểm tra thiết bị.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn 53 thôn chắn sóng điện thoại do địa hình; khoảng 500 điểm lõm sóng khiến người dân không thể tiếp cận được sóng di động. Với quan điểm chung là tiếp tục ưu tiên quan tâm cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, chỉ tính riêng năm 2022, chi nhánh Viễn thông tỉnh Hà Giang đã xoá được 91 thôn chắn sóng; đến hết quý II năm 2023 lắp đặt mới thêm 16 trạm phát sóng. Việc phủ sóng vùng lõm đã giúp người dân trao đổi thông tin, liên lạc, tiếp cận kiến thức, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ưu tiên nguồn lực CĐS để thực hiện "5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá"

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy CĐS, tỉnh Hà Giang đang tiếp tục rà soát các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, lựa chọn và triển khai mô hình CĐS phù hợp, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm. Ưu tiên nguồn lực CĐS các ngành, lĩnh vực để thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá theo Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Đẩy mạnh phổ cập kỹ năng CĐS thông qua hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng. Triển khai hiệu quả nội dung CĐS theo thỏa thuận với các Tập đoàn FPT, VNPT, Viettel đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng.

Theo ông Đỗ Thái Hòa  - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang: Đến đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh thúc đẩy CĐS ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội. Theo đó, tỉnh triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các cơ quan Đảng và hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kết nối giữa Trung tâm Dữ liệu của tỉnh với hệ thống mạng nội bộ của các cơ quan, đơn vị thống nhất, an toàn; bảo mật thông tin và được kiểm soát bởi hệ thống giám sát tốc độ, tình trạng nối, lưu lượng, đáp ứng nhu cầu hạ tầng triển khai các ứng dụng dùng chung trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi giao thức kết nối cho hệ thống Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh và của các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

Đến nay Hà Giang đã kết nối 58/81 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Cơ sở dữ liệu về giá; phần mềm quản lý thông tin đối ngoại; phần mềm công chứng, chứng thực và thông tin ngăn chặn; Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh; phần mềm quản lý hộ chính sách và hộ nghèo; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, truy xuất sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn gắn với thương mại điện tử; cổng thông tin và bản đồ về du lịch; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về văn hóa; triển khai camera giám sát tập trung đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh... Từ đó, giúp hoạch định, xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển KT – XH một cách bền vững, phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tại huyện Mèo Vạc, toàn huyện hiện có 83.971 dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT, đạt 95,6% được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Huyện đang tiếp tục bổ sung và đồng bộ các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để sẵn sàng đồng bộ thông tin thẻ BHYT cho người dân được cấp CCCD gắn chíp. Để người dân tham gia BHYT có thể sử dụng CCCD có gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID (áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp) đi khám chữa bệnh thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy.

Đến nay toàn huyện đã có 19/19 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có bệnh nhân sử dụng CCCD để khám chữa bệnh BHYT với 15..828 lượt người sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh và hệ thống tra cứu trả kết quả thành công. BHXH huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng BHXH số - VssID, kết quả 06 tháng đầu năm 2023 có 931 người tham gia BHXH, BHYT đã đăng ký tài khoản dịch vụ công BHXH, cài đặt và sử dụng VssID; lũy kế có 7.72 người tham gia BHXH, BHYT đã đăng ký, cài đặt và sử dụng VssID so với kế hoạch giao.

BHXH huyện Mèo Vạc tổ chức hướng dẫn người dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng BHXH số - VssID tại xã Lũng Chinh.

Thúc đẩy kinh tế số, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai mô hình Chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại khu vực chợ trung tâm các huyện, thành phố. Triển khai một số mô hình CĐS như: Thu phí, vé chợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; in mã QR thanh toán tại các gian hàng tiểu thương và hỗ trợ cài đặt tài khoản ngân hàng phục vụ giao dịch điện tử.

Tỉnh cũng đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực du lịch như quét mã QR quảng bá du lịch, giới thiệu sơ đồ các hộ trong Làng văn hóa du lịch cộng đồng; xây dựng hình ảnh, quảng bá danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch trên các trang thông tin điện tử, trạng mạng xã hội…

Đến nay, 85% số trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí trực tuyến, không dùng tiền mặt; thí điểm không dùng tiền mặt với tổng số 946/1.097 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đạt 86,2%. Có 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 55,5% dân số trên 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng; đăng ký tài khoản các hộ sản xuất, hợp tác xã trên sàn thương mại điện tử, đưa 100% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác