"Luồng gió" mới trong phát triển kinh tế với chồn nhung
Là người tiên phong đưa giống chồn nhung về xã Việt Lâm để chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau 10 năm gắn bó với chồn nhung, anh Thơm đang ngày càng tự tin phát triển mô hình, bởi chi phí chăn nuôi chồn nhung thấp do tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương và đầu ra (bán giống và bán thịt thương phẩm) rất thuận lợi, giá bán ổn định.
Từ khi được bạn bè giới thiệu, thăm quan mô hình chăn nuôi nhung ở các tỉnh miền xuôi, trở về Hà Giang, anh Thơm đã bàn với gia đình để nuôi thử. Ban đầu, anh Thơm đã tận dụng diện tích 30m2 từ ngôi nhà bếp cũ để cải tạo và nuôi thử 10 cặp chồn nhung.
Anh Nguyễn Văn Thơm chia sẻ: Giống chồn này thích sống theo bầy đàn, vì vậy chỉ cần đan lưới sắt thành từng ô vuông rộng khoảng 1m2 là nuôi được từ 20-30 con. Thức ăn cho chồn nhung không quá cầu kỳ, có thể tìm kiếm ngay trong vườn nhà như: Cỏ, lá tre, lá mía, lá chuối... mùa Đông thì bổ sung thêm tinh bột ngô.
Mỗi năm chồn nhung sinh sản có thể đẻ 3-4 lứa, mỗi lứa từ 3-6 con. Nuôi chồn nhung không tốn nhiều thời gian chăm sóc, có thể tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi để chăm sóc; vừa nuôi chồn vẫn có thể kết hợp làm sản xuất, kinh doanh khác.
Hiện nay giá bán mỗi con chồn nhung thương phẩm trọng lượng từ 0,5-08kg là 300.000 đồng/con và chồn nhung giống từ 150.000-25.000 đồng/con tùy loại.
Nhận thấy chồn nhung dễ nuôi lại ít bệnh tật, rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình... vì vậy anh Thơm đã mở rộng diện tích chuồng để chăn nuôi, đến nay trong chuồng nuôi nhà anh Thơm luôn có khoảng 500-600 con chồn nhung. Mỗi năm từ việc bán giống và thương phẩm chồn nhung anh Thơm cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đây được xem là "luồng gió mới" có thể áp dụng đối với những hộ nông dân thiếu đất canh tác, có thể tận dụng những diện tích xung quanh nhà để phát triển kinh tế tăng thu nhập cho người dân nơi địa đầu Tổ quốc.
Chồn nhung là loại động vật ăn cỏ sống thành từng đàn nhỏ, không ăn lương thực, chúng chỉ ưa thích các loại cỏ dại, lá cây, quả chín rụng… Nuôi chồn có thể tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân, lá cây ngô, lá lạc, thân, lá cây chuối… mà không mất chi phí chăn nuôi, chỉ tốn một chút công chăm sóc.
Chuồng nuôi chồn có thể xây bằng gạch, nhưng cũng có thể làm bằng gỗ, tre, trúc, chỉ cần thành chuồng cao 30cm, nên có thể tận dụng những diện tích trong nhà để chăn nuôi như dưới gầm cầu thang, ban công… vì chúng sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo phân tích của các nhà khoa học, chồn nhung là loại động vật ăn cỏ quý hiếm. Thịt của nó thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành thuốc tẩm bổ sức khỏe. Thịt chồn thuộc loại thực phẩm giàu protein, mỡ ít, hàm lượng cholesterol thấp, có chứa 17 loại axit amin và các nguyên tố vi lượng mà cơ thể người cần.
Sắc tố đen tự nhiên có tác dụng kháng bệnh, kháng khuẩn, điều tiết cho cơ thể. Thịt chồn có rất nhiều công dụng như: Tráng dương, làm đẹp da, tăng trí thông minh, lưu thông huyết mạch, rất thích hợp với người mắc bệnh cao huyết áp… Từ thịt chồn nhung có thể chế biến được 18 loại món ăn khác nhau như: Chồn da giòn gạo nếp, chồn nấu ngô, chồn chao, chồn hầm bí đao… đến những món ăn có tên rất lạ như: Ngọc thụ chồn, tam hoàn chồn, khiếu hoa chồn…
Ngoài việc chăn nuôi chồn nhung hiệu quả, anh Thơm cũng không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi cho những người có nhu cầu về phát triển giống vật nuôi mới này. Mong rằng trong thời gian tới đây chồn nhung không chỉ đem lại kinh tế hiệu quả cho gia đình anh Thơm mà nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang áp dụng nuôi và sẽ có kinh tế khá giả.