Chuyện nhà nông

Hưng Yên: Trồng nhãn hữu cơ nâng tầm thương hiệu nhãn "tiến Vua"

Tuấn Kiên - 07:19 03/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mạnh dạn thay đổi phương pháp canh tác đang được nhiều dân trồng nhãn trên địa bàn áp dụng, anh Bùi Xuân Sử ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã áp dụng phương pháp trồng nhãn hữu cơ vào vườn nhãn của gia đình, giờ đây đã cho những trái nhãn thơm, ngon hơn và mở ra hướng đi mới bền vững trong phát triển kinh tế.

Xã Hồng Nam là vùng trồng nhãn lồng nổi tiếng của xứ nhãn tỉnh Hưng Yên, về đây mọi người đều bắt gặp cây nhãn có mặt ở khắp nơi bên cạnh đường, bờ rào, trong vườn nhà hay những cây nhãn cổ thụ với hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là Di sản quốc gia.

Anh Bùi Xuân Sử bên vườn nhãn được canh tác hữu cơ. (Ảnh Minh Châu)

Quả nhãn ở Hồng Nam với những đặc điểm như: vỏ quả dày cứng nhẵn, màu vàng sáng, bóc ra cùi có màu trắng đục và dày, vân thứa dọc theo cùi, khi ăn có vị ngọt giòn nhưng thanh… cũng là bởi chất đất ở đây khá đặc biệt đất thịt pha với phù sa từ sông Hồng với tỉ lệ khoảng 75/25.

Nhãn lồng ở Hồng Nam tỉnh Hưng Yên còn được xếp hạng thứ 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến Vua”.

Sinh ra và lớn lên ở xứ nhãn, anh Sử hiểu rõ về cây nhãn về những giá trị lịch sử mà cây nhãn đã đem lại cho vùng đất nơi đây. Những năm qua canh tác vườn nhãn gần 1ha với khoảng 300 cây nhãn cũng đang là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Sử.

Cũng giống như các gia đình khác, trước đây để tăng năng suất, sản lượng, vườn nhãn gia đình anh Sử cũng đã sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để canh tác. Áp dụng đúng theo quy trình sản xuất VietGAP sản phẩm cũng đã được xuất khẩu sang: Mỹ, Singapore, Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản…

Làm theo đúng tiêu chuẩn VietGAP sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Nhà nước và có thời gian cách ly… nhưng người trồng nhãn, rồi gia đình các thành viên, vẫn hàng ngày sống gần vườn nhãn ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe bởi những chất hóa học. Chính vì vậy từ năm 2018 anh Sử đã bắt đầu chuyển sang canh tác nhãn theo hữu cơ.

Anh Sử cho biết: Để quả nhãn sạch nhất cho chất lượng và hương vị tốt nhất tôi đã chuyển sang chăm sóc nhãn hữu cơ; không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học như trước đây mà dùng ngô, đậu tương, cá, rỉ mật mía ngâm với chế phẩm sinh học để tạo thêm vi sinh vật cho đất. Bảo vệ nhãn trước côn trùng, tôi sử dụng Nano Bạc 3 tuần phun một lần và mỗi tuần lại lấy rượu ngâm gừng, tỏi, ớt pha loãng để phun cho nhãn.

Với cách làm này đã trả lại sự cân bằng cho đất, cho nước và không khí được trong sạch hơn. Dù chi phí nhân công có nhiều hơn nhưng vật tư đầu vào lại giảm.

Cây nhãn được canh tác theo hữu cơ có rất nhiều ưu điểm nổi trội: Cây có sức sống khỏe hơn, kháng bệnh tốt hơn và lá cũng dày hơn so với cây nhãn thông thường; quả nhãn hữu cơ gặp mưa cũng ít bị nứt, bị thối… khi quả chín thì có hương vị thơm ngọt và thời gian thu hoạch quả cũng dài hơn so với các dòng nhãn khác.

Anh Bùi Xuân Sử (người đứng bên phải ảnh) chia sẻ về lịch sử và giá trị của nhãn. (Ảnh Minh Châu)

Trong niên vụ nhãn 2024 mặc dù, sản lượng của nhãn hữu cơ chỉ bằng 70% nhãn VietGAP, nhưng giá bán của nhãn hữu cơ rất tốt thậm chí gấp 2- 3 lần nhãn VietGAP.

Tuy nhiên yếu điểm của quả nhãn hữu cơ là mẫu mã không đẹp bằng các dòng nhãn khác, nhưng nếu ai đã nếm qua dòng nhãn hữu cơ tại vườn thì sẽ không thể nào quên được.

Với quy trình trồng nhãn hữu cơ đã được hoàn thiện, những năm trở lại đây vườn nhãn của gia đình anh Sử còn được nhiều đoàn khách của Trung ương, tỉnh Hưng Yên, các ngành lựa chọn làm điểm để giới thiệu về mô hình mới trong canh tác thân thiện với môi trường.

Không ngần ngại anh Sử đều chia sẻ rất nhiều tình với mọi người về lịch sử cây nhãn ở vùng đất này, cũng như cách làm hữu cơ của anh để mọi người biết được… qua câu truyện của anh Sử chia sẻ, đến khi thưởng thức trái nhãn, chúng tôi đều không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà còn cảm thấy rõ được giá trị bảo tồn sản phẩm lịch sử "tiến Vua".

Tin cùng chuyên mục
Tin khác