Tín dụng chính sách đồng hành cùng xây dựng nông thôn mới Tuyên Quang
Phục vụ đắc lực cho sự phát triển của địa phương
Ông Vũ Thế Anh – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang cho hay: Hiện nay nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang đã có mặt ở 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong những năm qua tín dụng chính sách đã giải ngân kịp thời đưa tới cho trên 227.100 hộ nghèo và đối tượng chính sách với tổng số tiền 8.525.289 triệu đồng.
“Nguồn vốn chính sách đã góp phần hiệu quả trong việc: Hỗ trợ 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 23.175 lao động được tạo việc làm; 454 lao động được đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; xây dựng được 101.859 công trình nước sạch, vệ sinh; xây dựng được 3.857 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Tính đến hết tháng 6/2024 dư nợ cho vay đạt 4.355,8 tỷ đồng với gần 100.000 khách hàng” ông Thế Anh cho hay.
Tại huyện Chiêm Hóa, những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động hiệu quả đối với Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là hội viên nông dân huyện Chiêm Hóa. Ông La Xuân Thủy – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa cho hay: Thời gian qua để tín dụng chính sách đạt hiệu quả tích cực cho hội viên nông dân, Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa đã ký văn bản liên tịch để thực hiện cống tác ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa. Đối với cấp xã, Hội Nông các xã, thị trấn cũng đã ký hợp đồng ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa.
Từ đó hàng tháng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa đã họp giao ban với cấp Hội ở xã, thị trấn tại phiên giao dịch xã để đánh giá những tồn tại, vướng mắc khó khăn và phối hợp giải quyết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Hàng quý Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa cũng họp giao ban với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện để đánh giá hoạt động trong từng quý và phối hợp chỉ đạo các hội cấp dưới tổ chức thực hiện.
Từ đó trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách với những mô hình phát triển kinh tế đặc sắc như: Nuôi trâu sinh sản tại xã Hùng Mỹ, Hà Lang; chăn nuôi bò ở xã Nhân Lý, Bình Phú; trồng gấc tại xã Vinh Quang; chăn nuôi lợn đen ở xã Kim Bình và trồng cây sơn ta tại xã Phú Bình, Ngọc Hội…
Cũng như tại Chiêm Hóa, tại huyện Na Hang bám sát nhu cầu phát triển của địa phương, thời gian qua Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Na Hang đã phối hợp hiệu quả với 4 tổ chức xã hội chính trị (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh) để xây dựng 44 tổ tiết kiệm vay vốn.
Bà Ma Thị Tư – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang cho hay: Để hỗ trợ người dân vay vốn, hiện nay Phòng Giao dịch đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, các chương trình đều bám sát tình hình phát triển ở địa phương qua đó đã phát huy hiệu quả của từng đồng vốn.
“Hiện nay huyện Na Hang đang tích cực đẩy mạnh việc xuất khẩu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo đó Phòng Giao dịch cũng đã tích cực hỗ trợ người dân vay vốn. Tính đến tháng 6/2024 đã có 76 lao động trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn để đi xuất khẩu lao động; sau khi người lao động đi làm tại (Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) đều đã đem lại hiệu quả rất tích cực về mặt kinh tế hộ gia đình” bà Tư cho biết thêm.
Đồng hành để huyện sớm về đích nông thôn mới
Tại huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách từ các chương trình (Cho vay: Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo) đã góp phần hiệu quả trong công tác phát triển sản xuất giảm nghèo giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã tác động hiệu quả trở thành “bà đỡ” đến các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: Nhà ở, thu nhập, giảm nghèo đa chiều…
Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Dương: Bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của huyện (như năm 2024 phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2025 phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2025 huyện Sơn Dương sẽ về đích nông thôn mới…). Phòng Giao dịch đã tập trung hỗ trợ nguồn tín dụng chính sách cho người dân ở các địa phương phấn đấu về đích nông thôn mới. Chính vì vậy đến hết tháng 6/2024 huyện Sơn Dương đã có 18 về đích nông thôn mới.
Cũng như tại huyện Sơn Dương, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đang góp phần tích cực trong việc đưa Hàm Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hàm Yên cho biết: Tại huyện Hàm Yên, những năm qua tín dụng chính sách đã luôn đồng hành cùng địa phương trong việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, trước khi giải ngân, Phòng Giao dịch đã chủ động phối hợp với các địa phương, các tổ chính trị xã hội, để nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân… sau đó sẽ tiến hành tư vấn về các Chương trình tín dụng sao cho phù hợp nhất.
Vì vậy mà tại huyện Hàm Yên với 20 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai, dư nợ 754,4 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2024) đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực giúp các địa phương về đích trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt sau khi về đích nông thôn mới, chương trình tín dụng chính sách vẫn được triển khai như cho vay: Hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…
Có thể thấy rằng thời gian qua nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng được đưa tới đúng người, đúng đối tượng, từ đó góp phần tích cực vào đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của các gia đình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, theo đó công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến rõ nét.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội...
Cùng với đó tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội trong việc xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Cần chú trọng công tác đào tạo tập huấn, nâng cao tinh thần trách nhiệm và phẩm chất, nghiệp vụ của cán bộ tín dụng chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn.