Hà Nam: Tăng cường biện pháp chăm sóc, quản lý nuôi trồng thủy sản khi chuyển mùa
Nhiệt độ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thuỷ sản hoặc gián tiếp thông qua các quá trình lý hoá của thuỷ vực. Nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc, làm giảm sức đề kháng, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển. Khi nhiệt độ tăng, các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao sẽ phân huỷ mạnh, không chỉ tiêu hao nhiều oxy hoà tan trong nước mà còn thải ra các khí độc ở đáy ao như: NH3, NO2, H2S,… gây ngộ độc cho động vật thủy sản. Bên cạnh đó, khi nắng lên, các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm biến động hàm lượng oxy hòa tan trong nước,…
Khi chuyển từ mùa Xuân sang mùa Hè, bệnh viêm ruột đốm đỏ do vi khuẩn Aeromonas sp, bệnh xuất huyết do Reovirus và một số bệnh do ký sinh trùng rất dễ xảy ra gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản.
Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết chuyển mùa và nâng cao hiệu quả sản xuất, người nuôi cần tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất, chủ động theo dõi, cập nhật các thông tin về diễn biến thời tiết, có biện pháp kịp thời để ứng phó.
Áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý môi trường, tăng cường sử dụng vôi, chế phẩm sinh học và các sản phẩm xử lý, cải tạo chất lượng nước, tránh để hiện tượng tảo nở hoa, tảo độc phát triển đặc biệt là các ao nuôi thâm canh, ao có lượng bùn đáy dày > 20cm, nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, thủy cầm, khó khăn nguồn nước thay thế,… đặc biệt lưu ý ảnh hưởng của những cơn mưa đầu mùa. Tăng cường quạt nước, sục khí, bơm nước dạng phun mưa vào những ngày thời tiết thay đổi, nắng nóng, oi bức, mưa rào đột ngột ,… duy trì chất lượng nước trong ngưỡng phù hợp cho đối tượng nuôi (độ trong 30 – 40cm, pH: 6,5-8,0; hàm lượng oxy hòa tan ≥ 4mg/L; nhiệt độ 28 – 30oC,…).
Cho động vật thủy sản ăn theo nguyên tắc “3 xem, 4 định" (xem thời tiết, môi trường, sức khỏe đàn vật nuôi, định số lượng, chất lượng, vị trí, thời gian). Trong những ngày thời tiết thay đổi cần giảm 30 - 50% lượng thức ăn hoặc ngừng cho ăn. Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, Glucan, chế phẩm tỏi,… vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng.
Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh ao, lồng nuôi và hoạt động của động vật thủy sản nhất là vào sáng sớm, chiều tối. Khi phát hiện thủy sản chết bất thường, cần báo ngay cho cán bộ chuyên môn để được hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời, không xả thải nước ao chưa qua xử lý và xác thủy sản nuôi ra môi trường bên ngoài.