Nuôi trồng thủy sản gắn với bảo tồn biển để phát triển bền vững
Vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, đã tổ chức chuỗi sự kiện để Kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam; đồng thời, tổ chức Hội nghị nhằm thảo luận về phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh.
Doanh nghiệp, HTX, các nhà khoa học và đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ninh bắt tay hợp tác phát triển nghề nuôi biển
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Quảng Ninh có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đồng thời là địa phương duy nhất có biên giới trên bộ và đường biển với Trung Quốc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, tỉnh Quảng Ninh là điểm nút quan trọng trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc bộ mở rộng và trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Quảng Ninh là một trong những địa phương có thế mạnh để phát triển kinh tế biển, thủy sản với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ, với bờ biển dài 250km chạy dài từ thành phố Móng Cái đến Quảng Yên, cùng 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh… Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá"
Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nhấn mạnh vai trò nuôi biển đóng góp vào kinh tế biển nói chung, ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.
Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm phù hợp với từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng của thủy sản, phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, tổ chức sản xuất hiện đại. Trọng tâm là phát triển doanh nghiệp thủy sản và các mô hình tổ chức hợp tác. Chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm.
Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ.
Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, thời gian qua bằng sự quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự hưởng ứng nhiệt thành, đồng thuận của người dân, Quảng Ninh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển ngành thủy sản, đưa ngành này dần trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển. Với sự đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, ở Quảng Ninh đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 HTX được thành lập trong vòng 2 năm; có những mô hình độc đáo kết hợp nuôi biển công nghệ cao với du lịch trải nghiệm.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau hội nghị, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc làm cho tiến độ triển khai nuôi biển đang chậm, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân; đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế về kinh tế biển, khoa học công nghệ nuôi biển.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá rất cao sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng nền kinh tế nuôi biển. "Không có việc gì chúng ta không thể làm được khi chỉ trong 2 năm, Quảng Ninh đã loại bỏ, thay thế được hơn 10 triệu phao xốp, dọn sạch được biển; hơn 100 HTX dịch vụ nuôi biển được thành lập ở tỉnh. Đó là những thành tựu to lớn mà Quảng Ninh đã làm được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phát triển thủy sản bền vững ở Quảng Ninh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các Bộ ngành sẽ phối hợp để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển về lồng bè để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua; thúc đẩy ngành Nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu, để các sản phẩm thủy sản trở thành các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm…
Quảng Ninh sẽ trở thành một nơi đổi mới sáng tạo của ngành hàng nuôi biển và có các trung tâm nghiên cứu về giống, chiến lược. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi tỉnh có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân.
Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần có sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương - cộng đồng doanh nghiệp - các Viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế; tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển; người nuôi biển hay có sinh kế gắn với nuôi biển".
Nuôi biển bền vững, bài bản sẽ giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển, tránh câu chuyện "thủy sản đi tới đâu, du lịch lùi tới đó" và ngược lại.
“Nhìn vào thực trạng nuôi biển còn nhiều tồn tại để biết, rồi chúng ta phải nuôi trồng theo những cách thức mà thế giới đang tiếp cận. Đã có giấc mơ phải mơ lớn hơn nữa; đã có tham vọng thì phải tham vọng lớn hơn nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.