Giáo dục - hướng nghiệp

Hà Nội dành nguồn lực để tăng tốc đào tạo nghề

Minh Anh - 07:12 28/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi hoạt động đào tạo nghề đang ngưng trệ thì tại TP. Hà Nội các đơn vị vẫn đang dành nhiều nguồn lực để tăng tốc đào tạo nghề cho lao động.
Lớp dạy nghề, làm nghề mây tre đan ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Duy trì nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cùng với xu hướng đô thị hóa nhiều vùng quê của Hà Nội cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Để phục vụ nhiệm vụ này, Hà Nội đã tăng cường công tác dạy nghề, xem đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phương thức quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (1956) giai đoạn 2010 - 2020, toàn thành phố đã mở hơn 6.000 lớp đào tạo nghề cho gần 220.000 lao động nông thôn.
 Đối tượng được ưu tiên đào tạo là thành viên gia đình người có công với cách mạng, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất… Hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 80% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố từ 34,8% vào cuối năm 2010, lên 70,2% vào cuối năm 2020.

Năm 2021, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Kết quả, thành phố đã tạo thêm gần 15.000 việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt 50-60 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đó, thành phố cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng làng nghề, gián tiếp hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động ở làng nghề. Hỗ trợ 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố. Tạo thêm khoảng 10.000 - 15.000 việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt 50 - 60 triệu đồng/người/năm. Nhiều làng nghề tạo được thương hiệu riêng.

Chị Nguyễn Thị Nga, 35 tuổi sống ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) từng làm công nhân ở khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Sau thời gian dài làm công nhân, sức khỏe suy yếu, tuổi cao nên công ty thải loại công nhân. Lúc này chị trở về quê hương lập nghiệp thế nhưng không có vốn, không có nghề.

Năm 2020, chị tình cờ được cán bộ xã giới thiệu đăng ký cho học lớp làm nghề mây tre đan ngắn hạn trọng 3 tháng. Sau học nghề chị xin làm cho xưởng mây tre đan ở làng nghề luôn. Công việc ổn định, lại chủ động, khá tự do. Chị có thể làm việc tại xưởng cũng có thể tự làm tại nhà. Thu nhập vẫn cao không kém gì khi đi làm ở công ty.

“Tôi thấy công việc mới khá tốt, thu nhập tháng được khoảng 6-7 triệu đồng, không tốn tiền xăng xe, đi lại. Cảm ơn cán bộ xã đã tạo điều kiện cho đi học, xin việc làm có công việc thu nhập ổn định”, chị Nga nói.

Không riêng gì chị Nga, nhiều lao động khác ở huyện Chương Mỹ cũng được hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp. 

Mục tiêu đào tạo nghề cho trên 224.000 lượt người

Để tăng cường những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp tập trung phát triển nguồn nhân lực Thủ đô và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Quan điểm của UBND thành phố là việc triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp phải được tiến hành quyết liệt, đồng bộ, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo hiệu quả, gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu của thị trường lao động.

Thành phố Hà Nội đưa ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2022 là tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người (cao đẳng 25.000, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 171.500 lượt người); phấn đấu lao động qua đào đạt từ 72,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2% trở lên.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó GĐ Sở LĐTBXH TP. Hà Nội cho biết, để thực hiện nhiệm vụ này TP sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các chính sách tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của giáo dục nghề nghiệp đối với sự nghiệp phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Thời gian qua TP. Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động tuyển sinh, đào tạo không bị gián đoạn. Các cơ sở đào tạo cần ưu tiên đào tạo để cung ứng lao động cho doanh nghiệp, góp phần tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trên thị trường; tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất của đơn vị để tổ chức thực hiện phương án ‘’giảng dạy, cách ly y tế, ăn ở tại trường”; bố trí chỗ ăn, ở, điều kiện sinh hoạt cho học sinh, sinh viên, học viên thuận lợi, phù hợp và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Thành phố đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website, fanpage, các kênh liên kết tuyển sinh online. Phối hợp với doanh nghiệp thực hiện tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm cho lao động.

Thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Thời gian vừa qua, đây là vấn đề khá nan giải bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động gặp rất nhiều khó khăn trong các phương án sản xuất, dẫn tới việc sử dụng lao động không ổn định, lâu dài và chưa liên tục. Giai đoạn này, thành phố chú trọng hơn việc đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường, của người sử dụng lao động; gắn chất lượng đào tạo nghề ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đào tạo gắn với chương trình phát kinh tế, xã hội của thành phố và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động.

Cùng với công tác đào tạo nghề cho lao động trong trường cao đẳng, trung cấp, Hà Nội cũng nỗ lực dành nguồn lực cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mặc dù nguồn ngân sách Trung ương chưa thể bố trí, nhưng TP cũng trích ngân sách địa phương để hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn. Kết hợp thêm với nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

“Chúng tôi xác định tăng đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn thành phố qua đó nâng cao chất lượng nguồn lao động, năng suất lao động và giá trị sản xuất kinh tế của thành phố”, bà Nhàn nói. 

Thành phố Hà Nội đưa ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2022 là tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người (cao đẳng 25.000, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 171.500 lượt người); phấn đấu lao động qua đào đạt từ 72,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2% trở lên.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác