Hà Tĩnh: Kiểm soát chất lượng giống, vật tư cùng nông dân bước vào mùa vụ mới
Sau nhiều ngày phơi mình dưới cái nắng như đổ lửa, mặt ruộng ở hầu hết các địa phương tại Hà Tĩnh khô cứng. Với quyết tâm “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, người dân Hà Tĩnh đã sớm triển khai bơm no nước vào những cánh đồng, tiến hành cày ải, trục bừa, vệ sinh đồng ruộng, sẵn sàng cho ngày xuống giống cho vụ hè thu.
Đồng hành cùng người dân để vụ mùa Hè Thu chắc thắng, Hà Tĩnh đã có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp tại các địa phương ngay từ khi bước vào mùa vụ. Được biết, vụ Hè Thu năm nay Hà Tĩnh dự kiến gieo cấy trên 44.000ha lúa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, đơn vị đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng giống, hàng hóa vật tư nông nghiệp vụ Hè Thu. Mặt khác, chỉ đạo, hướng dẫn người dân sử dụng nhóm giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (dưới 110 ngày), đối với giống có thời gian sinh trưởng 105 - 110 ngày phải tiến hành bắc mạ cấy đảm bảo đúng kỹ thuật, tiến độ.
Được biết, đoàn công tác do Sở Nông nghệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh chủ trì hiện đang tập trung kiểm tra, quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng, chủng loại, cơ cấu và giá đầu vào đối với các giống lúa sản xuất, cung ứng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người dân không kinh doanh, sử dụng các giống lúa ngoài cơ cấu của tỉnh.
Ngoài ra, đoàn cũng sẽ phối hợp kiểm tra, kiểm soát các loại thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng phân bón, việc niêm yết giá ở các đại lý cấp 1, cấp 2, cửa hàng vật tư nông nghiệp ở 13/13 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo khuyến cáo, ngoài sự kiểm soát của ngành chuyên môn, các địa phương cần nâng cao công tác quản lý tại cơ sở, chủ động phối hợp ngăn chặn những nguy cơ về giống, thuốc giả, phân bón kém chất lượng trà trộn vào thị trường. Đối với người dân, cần mua các loại giống, vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, hợp pháp, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”.
Đồng hành cùng nông dân bước vào mùa vụ mới, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triển khai kế hoạch đến cơ sở, phối hợp với các ban, ngành liên quan đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, tích cực tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón…
Ông Biện Văn Quảng – Trưởng phòng Dịch vụ Hỗ trợ nông dân (Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh), cho biết: “Mặc dù giá cả phân bón đã có dấu hiệu ổn định trở lại nhưng vấn nạn phân giả, phân kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường. Với mong muốn hỗ trợ người dân, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho nông dân, chúng tôi đã nỗ lực làm việc với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp phân bón có uy tín trên thị trường cung ứng để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo đăng ký từ các địa phương.
Với kế hoạch đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Tĩnh hiện đã phối hợp với các doanh nghiệp phân bón có uy tín trên cả nước như: Công ty phân bón Lâm Thao, phân bón Văn Điển, phân bón Bình Điền triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân. Trên cơ sở đề án sản xuất của tỉnh, các công ty, đại lý phân phối đã chủ động cung ứng nguồn chất lượng cho bà con nông dân trên địa bàn theo hợp đồng đã ký kết với các địa phương.
Dự kiến vụ Hè Thu 2024, qua kênh Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp giao kịp thời tới người dân trên 400 tấn phân bón các loại để phục vụ sản xuất; các nhà sản xuất cam kết, chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón. Trung tâm, Hội Nông dân các huyện đứng ra ký kết bảo lãnh để nông dân mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch, Hội Nông dân các xã có trách nhiệm thu tiền phân bón hoàn trả lại cho doanh nghiệp.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”