Nông thôn mới

Hà Tĩnh: Nông dân đồng thuận góp của, góp công để xây dựng nông thôn mới

Minh Anh - 07:05 17/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới, bức tranh làng quê Hà Tĩnh dần thay da đổi thịt. Hà Tĩnh là một trong những tỉnh, thành được Trung ương chọn để làm điểm trong xây dựng nông thôn mới của cả nước giai đoạn 2021 -2025. Để có thành công này, nông dân Hà Tĩnh đã có vai trò quan trọng, đóng góp nhiều công sức để làm nên diện mạo nông thôn mới khang trang hiện nay.

Xây dựng nông thôn mới từ những hành động nhỏ nhất

Tham gia phát triển kinh tế, hiến đất làm đường, tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng môi trường nông thôn xanh- sạch - đẹp... đây đều là những hành động thiết thực được Hội Nông dân các cấp Hà Tĩnh kêu gọi hội viên nông dân hưởng ứng, thực hiện nhằm xây dựng nông thôn mới (NTM) tại quê hương.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trưởng thôn Lê Thanh Ái ở thôn Tân Nhân (xã Tân Hương, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường nông thôn. Không chỉ vậy, ông Ái còn là tuyên truyền viên vận động nhiều nông dân hiến đất làm đường, tham gia bảo hiểm y tế; phát triển kinh tế... từ đó để thiết thực xây dựng NTM tại địa phương.

Người dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) hiến đất làm đường gao thông liên thôn, liên xã

Không chỉ đi đầu trong phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM, gia đình ông Ái còn làm kinh tế giỏi. Năm 1993, ông đã nhận đất rừng để trồng keo theo dự án PAM 4304 với diện tích 5ha. Đến nay, thu nhập từ rừng keo bình quân sau khi trừ chi phí còn lãi 90 triệu đồng/năm. Ngoài ra, với diện tích 0,5ha trồng ngô, nuôi gà thả vườn. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn thực lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Bà Hoàng Thị Kim Dũng - Trưởng thôn Đồng Vinh (xã Tân Dân, Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết: Địa phương và người dân đang cùng chung tay phát huy mọi nguồn lực để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại địa phương.

Sau khi có chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, chi bộ thôn Đồng Vịnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, đồng thời phát huy sức mạnh của Ban Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, vận động nhân dân tích cực tham gia các tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.

'Đầu tiên, chúng tôi chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đến tận tổ dân cư và hộ dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung từng tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, từ đó, tạo sự đồng thuận và tinh thần thi đua chung sức, chung lòng", bà Dũng nói.

Theo bà Dũng để làm được điều này, thôn bám sát các tiêu chí, rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng khung kế hoạch nêu rõ lộ trình thực hiện một cách cụ thể, tổ chức thực hiện bài bản, quyết liệt, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, cảnh quan và môi trường.

Người dân Hà Tĩnh đã có nhận thức hiến đất sẽ giúp kết cấu hạ tầng nông thôn được phát triển đồng nghĩa với cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn

Trong quá trình huy động nguồn lực, thôn Đồng Vịnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nhân dân ủng hộ ngày công, tự đóng góp tiền trong xây dựng đường bê tông, mương thoát thải, mương nội đồng, xây dựng nhà sạch vườn đẹp, hàng rào xanh. Nhiều nông dân hiến đất nhà, đất ruộng để mở rộng đường giao thông liên thôn, liên xã...

Nhờ sự quyết tâm, sự tham gia nhiệt tình của người dân, trong đó có nhiều nông dân mà đến tháng 10/2022, thôn Đồng Vịnh đã được công nhận hoàn thành 10 tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đây là tiền đề và động lực để người dân Đồng Vịnh tiếp tục nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực quan trọng để xã Tân Dân phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong thời gian tới.

Không chỉ xã Tân Dân, xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng NTM.

Ông Trần Văn Khiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) cho biết, có được thành công ấy là nhờ địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy nguồn lực xã hội hóa có sự góp công, góp sức của người dân trong đó có những nông dân tại địa phương.

Đi lên từ một xã miền núi khó khăn, từ năm 2016 là xã 135, nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, năm 2018, xã Cẩm Minh được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Năm 2022, xã Cẩm Minh được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền huyện chọn một trong ba xã của huyện để xây dựng xã NTM nâng cao; đến nay, địa phương đã hoàn thành 20/20 tiêu chí.

Toàn xã hiện có 12 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, giải quyết cho trên 200 lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 47,7 triệu đồng/người/năm. Xã có 6/8 thôn đạt khu dân cư mẫu cấp tỉnh; 2 thôn còn lại đạt trên 80% các tiêu chí khu dân cư mẫu; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,6%; có 8/8 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện.

Để có được những kết quả trên, địa phương thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về các chủ trương, chính sách của các cấp để vận dụng đúng, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Cùng đó, phát huy vai trò của người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân; phát huy quy chế dân chủ, huy động mọi nguồn lực, trong đó thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở huy động đóng góp của nhân dân và tranh thủ các chương trình, dự án nhằm xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn.

Địa phương cũng luôn thực hiện công khai minh bạch và quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi tài chính ngân sách, các nguồn xây dựng NTM.

Phát triển kinh tế là cách để xây dựng nông thôn mới

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng NTM là tạo sự thay đổi về chất. Tức là xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở mặt hình hài, nhà cao cửa rộng hay đường xá, giao thông khang trang... mà cần phải đi vào thực chất.

Điều đó có nghĩa là người dân phải có cơm ăn áo mặc, cuộc sống phải no đủ, thu nhập phải ổn định. Để làm được điều này đương nhiên cần phải phát triển kinh tế. Thấu hiểu nhiệm vụ này, từ nhiều năm qua Hội Nông dân các cấp trên địa bàn Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế, qua đó tạo công việc, gia tăng thu nhập cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh  Hà Tĩnh cho biết: Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đồng bộ để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Cam là một trong những mặt hàng nông sản giúp nông dân Hà Tĩnh thoát nghèo

Theo đó, năm 2022 có 85% hội viên nông dân được tiếp cận và tham dự các lớp tập huấn về thông tin thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp... Đồng thời, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, vận động 164.884 hộ gia đình đăng ký đạt hộ SXKD giỏi các cấp năm 2022 (vượt 4.384 hộ so với năm 2021); phối hợp tuyên truyền, vận động và tư vấn cho các hộ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế; xây dựng được một số mô hình tiêu biểu, có quy mô sản xuất lớn, thu nhập cao.

Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, năm 2022 nông dân toàn tỉnh huy động trên 27,9 tỷ đồng, hỗ trợ 298.200 ngày công, tham gia, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi, hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, chỉnh trang vườn hộ, khu dân cư mẫu...; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 37 sản phẩm OCOP.

Nhờ có sự tham gia đóng góp tích cực của nông dân mà nhiều nơi trên địa bàn tỉnh phong trào xây dựng NTM được toàn diện, và đạt kết quả cao.

Anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) cho biết, chương trình NTM đã tác động rất mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

"Cũng như nhiều sản phẩm khác, cơ sở sản xuất của chúng tôi giai đoạn đầu phát triển gặp rất nhiều khó khăn như: sản xuất không có liên kết, thị trường tiêu thụ hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa hấp dẫn, công nghệ sản xuất thủ công năng suất thấp… Từ khi tham gia Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), được sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sản phẩm của chúng tôi ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng và mẫu mã. Trong năm 2022, sản lượng sản xuất đạt trên 3 triệu bánh đa vừng, trong đó có khoảng 400 nghìn bánh được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Nga, Ba Lan. Tổng giá trị các đơn hàng xuất khẩu của HTX đạt gần 1,5 tỷ đồng", anh Duẩn nói.

Nhờ làm tốt khâu sản xuất, mà HTX cũng góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Đây là cách để xây dựng NTM góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

"Năm 2023 ngoài nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể về xây dựng phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt mục tiêu 100% hội viên, nông dân tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chủ động thực hiện một số nội dung trọng tâm như: tuyên truyền, vận động nông dân phát huy chủ thể, đóng góp công, của, hiến đất xây dựng  nông thôn mới; thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường; Hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách khuyến khích, kích cầu của Chính phủ, của tỉnh giúp nông dân phát triển kinh doanh...".

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh

 

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác