Hà Tĩnh: Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học mang lại nhiều lợi ích
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, trên nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh là hình ảnh khói bụi mù mịt từ việc đốt rơm, rạ của bà con nông dân. Không những gây ô nhiễm môi trường mà các chất hữu cơ có trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng; gây mất cân bằng hệ sinh thái...
Được biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh đến nay đã thu hoạch được gần 36.000ha lúa Xuân, đạt khoảng 60% diện tích. Các huyện dẫn đầu như: Can Lộc (hơn 6.000ha), Đức Thọ (5.000ha), Nghi Xuân (3.000ha)… và đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Xuân.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các địa phương cần đốc thúc bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè Xuân. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đưa ra giải pháp, về việc xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch nhằm hạn chế khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí tài nguyên. Thực hiện theo hướng dẫn, Hội Nông dân các cấp tại Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sử dụng chế phẩm để xử lý thành phân bón, góp phần giảm chi phí sản xuất; nâng cao trách nhiệm của nông dân trong bảo vệ môi trường nông thôn.
Những ngày qua, Hội Nông dân huyện Đức Thọ đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung Tâm ứng dụng và Chuyển giao Khoa học Kỷ thuật huyện đã chủ động tổ chức hướng dẫn bà còn sử dụng chế phẩm sinh học vi sinh để xử lý rơm, rạ tại các chân ruộng. Theo các chuyên gia phân tích, cách làm này sẽ làm cho rơm, rạ phân hủy nhanh thành các chất dễ hấp thụ cho cây lúa, tạo độ tơi xốp cho đất, cây trồng vụ tiếp theo dễ hấp thụ ôxy.
Theo đó, việc xử lý rơm ra được thực hiện theo hai phương pháp cơ bản. Phương pháp thứ nhất sử dụng chế phẩm để tiêu hủy gốc rơm rạ tại chân ruộng. Về phương pháp này, theo hướng dẫn, chỉ cần sử dụng 1 – 3kg chế phẩm Lacto Powder T/1 sào, rải đều lên mặt ruộng, sau đó cho máy cày xới đất, đập dập gốc rạ, tháo nước vào, lượng nước cho vào chân giao động tốt nhất từ 3 – 5cm, rồi ủ ruộng từ 7 – 10 ngày mới tiến hàng bừa cấy. Ngoài ra, có thể xử lý rơm thành phân hữu cơ ngay tại nhà bằng cách xử lý, rải một lớp rơm khô, rắc một lớp chế phẩm, rồi tưới một lượng nước vừa phải để tăng độ ẩm, tạo điều kiện cho vi sinh phát triển.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch hiện đã được thực hiện không chỉ tại Đức Thọ mà các huyện như Can Lộc, Hương Khê, Kỳ Anh, Nghi Xuân… của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã áp dụng, giúp bà con thuận tiện hơn trong quá trình sản xuất, tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ, đồng thời chế phẩm còn bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, hạ phèn và giải độc hữu hiệu. Mặt khác, sử dụng chế phẩm để xử lý còn góp phần khắc phục tình trạng đốt chân rơm gây ô nhiễm môi trường- Một trong những vấn đề khiến dư luận bất bình mỗi khi bước vào cao điểm mùa thu hoạch lúa.