Hải Dương: Tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ Xuân 2024
Tính đến đầu tháng 4, các trà lúa trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt, trong đó, trà Xuân sớm đang ở thời kỳ cuối đẻ nhánh đến đứng cái, làm đòng, trà Xuân muộn đang ở thời đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh; trà vải sớm đang ở thời kỳ quả non, phát triển quả, trà vải chính vụ đang nở hoa, đậu quả; toàn tỉnh cũng đã gieo trồng được trên 9.200ha rau vụ Xuân. Một số đối tượng sâu, bệnh cũng đã xuất hiện và có xu hướng gây hại gia tăng, như: bệnh đạo ôn trên lúa, bệnh phấn trắng, sương mai trên dưa, sâu đục quả trên vải,...
Cụ thể, tại Công văn số 146/TTBVTV-NV có nêu rõ, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, trong đó: Đối với cây lúa bón thúc toàn bộ lượng phân còn lại theo quy trình. Lưu ý, khuyến cáo nông dân không nên bón thúc bằng đạm đơn để hạn chế bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá,..; tạm dừng bón thúc cho những diện tích đang bị nhiễm đạo ôn, chỉ tiếp tục bón khi bệnh đã dừng hẳn; bón tăng lượng phân kali cho những diện tích cấy giống lúa chất lượng.
Khẩn trương phun thuốc cho những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó, những diện tích bị nhiễm bệnh nặng cần phun lại lần hai sau lần phun thứ nhất từ 4-5 ngày; Tiếp tục tổ chức diệt chuột tập trung đợt 3 theo Kế hoạch số 4407/KH-UBND ngày 21/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2024.
Ngoài ra, đối với cây vải cần kịp thời bón thúc cho những diện tích vải đã đậu quả, đảm bảo tưới đủ nước để quả phát triển nhanh, thuận lợi; bón hoặc phun bổ sung phân vi lượng chứa nguyên tố Bo để hạn rụng quả sinh lý; bón tăng lượng phân kali để nâng cao chất lượng và mẫu mã cho quả vải. Thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo Hướng dẫn số 88/HD-TTBVTV-NV ngày 28/02/2024 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Trong thời gian tới cần tăng cường theo dõi và phòng trừ đối với sâu đục quả, bọ xít, bệnh thán thư, bệnh sương mai.
Đối với cây rau màu cần đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và mở rộng diện tích rau màu vụ Xuân để đảm bảo nguồn cung cấp rau. Trước khi trồng vụ rau, lứa rau cần thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt các sinh vật có hại ở trong đất; tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh và bón vôi để cải tạo độ chua của đất, bón phân cân đối. Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn (GAP); chủ động theo dõi và phòng trừ sâu bệnh, trong đó lưu ý đến bệnh sương mai, bệnh giả sương mai, bệnh phấn trắng, bọ phấn, bọ trĩ trên nhóm cây dưa, bầu bí; bệnh héo xanh, bệnh sương mai, bệnh thán thư trên ớt; bệnh lở cổ rễ ở cây con,...
Tiếp tục tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại để tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dân nông dân phòng trừ kịp thời. Trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đến các đối tượng như: chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen trên lúa; sâu đục quả, bệnh thán thư trên vải; bọ phấn, bọ trĩ, bện thán thư, phấn trắng, giả sương mai trên nhóm cây dưa, bí, mướp; sâu xanh da láng trên hành lá (mủa); sâu keo mùa thu trên ngô;.. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động cung ứng, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên thị trường, kiên quyết không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành gây thiệt hại cho nông dân.
Trước đó, Chi cục Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã có công văn số 136/TTBVTV-NV ngày 02/4/2024 gửi Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện thành phố, thị xã về việc tập trung điều tra phát dục sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 08/4/2024.