Thời sự trong nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chiếc áo sờn cũ” trong tâm trí nhân dân

Việt Tùng - 19:59 26/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều nay (26/7), hàng triệu trái tim người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã kính cẩn, nghiêng mình, dành những tình cảm đặc biệt để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo Đảng đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, người học trò đặc biệt, người hàng xóm thân thiện, tốt bụng… về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong giây phút thiêng liêng này, hình ảnh “chiếc áo sờn cũ” của Tổng Bí thư lại hiện lên trong tâm trí của biết bao người dân. Nước mắt của tình yêu, sự kính trọng và tiếc thương vô hạn đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một sức mạnh, ý chí quyết tâm cùng đoàn kết vượt qua mất mát đau thương để thực hiện những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại. Tấm gương về sự giản dị, sự liêm khiết, trong sáng và sự mền dẻo, khôn khéo...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Thái Nguyên vào ngày 11/01/2023 (trong ảnh chiếc áo khoác ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mặc hơn chục năm, mặc dù đã sờn cũ).

“Chiếc áo sờn cũ” trong mắt người dân vùng biên cương

Đúng 13h53, cỗ linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời cổng Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội để di chuyển về Nghĩa trang Mai Dịch.

Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng di chuyển trên đường Lê Đức Thọ, đoạn gần nút giao đường Hồ Tùng Mậu, nghĩa trang Mai Dịch.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường mà linh xa chở lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi qua, người dân đã đứng chật kín hai bên đường từ lúc 11-12h trưa, mỗi lúc một đông, nhất là những đoạn có ngã ba, ngã tư, vòng xuyến.

Không chỉ người dân Hà Nội và những người đang công tác, học tập và làm việc ở Hà Nội, mà trong dòng người đó có cả những người ở tận Hà Giang, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh… cũng sẵn sàng gác lại mọi công việc để về Hà Nội tiễn đưa Tổng Bí thư lần cuối về nơi an nghỉ cuối cùng.

Từ 11 - 12h trưa nay, hàng triệu người dân đã đứng kín dọc hai bên đường, những tuyến đường sẽ có linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua.

Chị Trần Thị Thu Phương, ở TP. Hà Giang cho biết, từ sáng sớm nay chị đã bắt xe khách từ Hà Giang về Hà Nội. Địa bàn Hà Nội chị không thuộc, chị đã hỏi xe ôm cho về điểm gần nhất với Nghĩa trang Mai Dịch để được vái vọng, tận mắt nhìn thấy xe chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua.

“Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ tất cả những người dân Việt Nam đều vô cùng tiếc thương khi Bác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn nữa, nhiều người cảm thấy xót xa, hụt hẫng”, chị Trần Thị Thu Phương chia sẻ.

Khi được hỏi về những ấn tượng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị Trần Thị Thu Phương đã không kìm được nước mắt, khi nhắc đến chiếc áo rét mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mặc nó cả chục năm trời, đến nỗi gấu tay áo đã sờn rách, nhưng Tổng Bí thư vẫn mặc.

Chị Trần Thị Thu Phương, ở TP. Hà Giang đã khóc nghẹn khi nhắc đến hình ảnh "chiếc áo sờn cũ" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mặc nó cả chục năm qua.

“Tôi đã khóc rất nhiều khí nhìn thấy những hình ảnh về chiếc áo cũ sờn rách gấu của bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác là người thanh cao, giản dị vô cùng, tất cả đều làm vì nước, vì dân, nhìn những hình ảnh đó, tôi không thể nào không xuống Hà Nội để tiễn bác, nhìn bác lần cuối được”, chị Trần Thị Thu Phương sụt sùi, mắt đỏ hoe nói.

Chị Dương Thị Thanh, ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã gác lại mọi công việc bộn bề hàng ngày để xuống Hà Nội từ 22h đêm qua 25/7, chị Thanh cho biết, chị đã về quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội để viếng bác, nhưng để tận mắt chứng kiến và được tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng, chị đã chọn điểm đầu đường Lê Đức Thọ để chờ.

 Chị Dương Thị Thanh, ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc (áo đen) cho biết chị đã về Hà Nội từ 22h đêm qua.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chiếm được trọn lòng tin của người dân Việt Nam, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác đã để lại cho tất cả mọi người rất nhiều bài học, rất nhiều điều để học tập. Với tôi, trước tiên tôi sẽ học tập Tổng Bí thư về sự giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư…”, chị Dương Thị Thanh chia sẻ.

Tổng Bí thư là người luôn hướng về nguồn cội

Anh Phạm Tuấn, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội chia sẻ, trong lòng nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có trái tim lớn, trí tuệ lớn, vì nước vì dân. Những hình ảnh gần gũi của Bác với người dân, đặc biệt là nông dân luôn khiến bất kỳ ai cũng xúc động. Tiếp xúc với Tổng Bí thư, luôn có sự thân thiện, gần gũi, không quan cách. Không chỉ bình dị, gương mẫu trong lối sống và phong cách làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người luôn hướng về nguồn cội.

“Dù bận rộn với công việc của Đảng và Nhà nước, hàng năm, Tổng Bí thư luôn dành thời gian về thăm quê ở làng cổ Lại Đà, gặp trò chuyện thân mật với bà con hàng xóm là những người nông dân bình dị. Trên cương vị của mình, Tổng Bí thư dường như chưa có một ngày để nghỉ, những gì Tổng Bí thư đã làm và để lại chắc chắn sẽ được nhân dân đời đời ghi nhớ, biết ơn!”, anh Phạm Tuấn xúc động.

Chị Phùng Thị Hoa ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội cho biết, từ khi biết tin bác Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mất chị rất buồn, hụt hẫng, như mất đi một người thân của mình vậy.

Chị Phùng Thị Hoa ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội cảm thấy vô cùng hụt hẫng khi biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.

“Bác là chỗ dựa tinh thần cho tất cả mọi người dân trên đất nước hình chữ S này, nên ai cũng luôn ngóng tin bác. Nhất là những lần họp Trung ương Đảng, thấy Bác trên ti vi là như có được chỗ dựa tinh thần, động lực để mọi người tiếp tục phấn đấu, vươn lên. Nay Bác không còn nữa, tôi buồn lắm!”, chị Phùng Thị Hoa mắt đỏ hoe nghẹn ngào nói.

Cháu Nguyễn Hà Anh, mới 5 tuổi, được mẹ là chị Trịnh Hải Yến, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội cho đi theo đến đường Lê Đức Thọ gần Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn đưa Bác. Chị Yến cho biết, chị thường xuyên chia sẻ với con cái về tấm gương, vị lãnh đạo kiệt xuất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Bác Trọng là người đã kỳ công vun đắp, lãnh đạo, xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh như ngày hôm nay” – chị Trịnh Hải Yến bày tỏ.

Cháu Nguyễn Hà Anh, mới 5 tuổi, được mẹ là chị Trịnh Hải Yến, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đưa đi tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ sáng sớm nay, bà Phạm Thị Luyện, 75 tuổi ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội đã một mình bắt 7 chuyến xe buýt để đến thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà. Bà Luyện chia sẻ, gia đình bà là gia đình cách mạng, chồng bà hy sinh khi mới ngoài 30 tuổi, chưa đầy 30 tuổi bà Luyện đã góa chồng, một mình nuôi 3 người con ăn học, trưởng thành nên người.

“Gia đình tôi là gia đình chính sách, Bác Trọng là một vị lãnh đạo hết mực vì dân, rất quan tâm chăm lo cho đời sống nhân dân, nhất là những gia đình chính sách, nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi luôn cầu mong bác khỏe mạnh để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Khi nghe tin Bác mất chân tay tôi như rụng rời vậy!”, bà Luyện gạt nước mắt, nói trong nghẹn ngào.

Bà Phạm Thị Luyện, 75 tuổi ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội cho biết khi nghe tin bác Trọng mất mà tay chân như rụng rời.

Nếu chỉ được chọn 3 điều học tập Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Em Nguyễn Thị Hải Yến, quê ở Ninh Bình, hiện đang là sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính tham gia tình nguyện phục vụ tang lễ, gìn giữ trật tự tại tuyến đường Lê Đức Thọ cho biết, em và các bạn đã đến đây từ lúc 13h.

“Mặc dù hôm nay trời rất nắng, nóng, nhưng chứng kiến người dân khắp nơi tụ về hai bên đường để được chứng kiến và tiền đưa bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong lòng em cảm nhận được những tình cảm mà người dân dành cho Bác. Bác mất đi em cảm thấy tiếc thương vô cùng. Được chứng kiến lễ tang bác, chúng em là thế hệ trẻ sẽ soi vào tấm gương của Bác để học tập, noi theo”, em Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ.

 Em Nguyễn Thị Hải Yến ở (Bắc Kạn) và em Hoàng Thị Nga, ở Ninh Bình, là sinh viên Học viện Tài chính cho biết, thế hệ trẻ sẽ nỗ lực phấn đấu, học tập, noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Em Hoàng Thị Nga, quê ở Ninh Bình, là sinh viên Học viện Tài chính cho biết, trước đây em chỉ biết đến hình ảnh bác Trọng qua ti vi, chứ chưa được tận mắt nhìn thấy Bác.

“Hôm nay là một ngày rất ý nghĩa đối với em. Mặc dù không còn cơ hội được nhìn thấy bác ngoài đời thực nữa, nhưng được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào lễ tang của Bác, em cảm thấy rất ý nghĩa. Nếu được chọn 3 điều để học tập bác, em sẽ chọn 1 là sống giản dị; 2 là sự chính trực, liêm khiết; 3 là phong cách ngoại giao “cây tre” mềm dẻo, em Hoàng Thị Nga chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác