Hành trình 30 năm chụp ảnh "hồn chợ Việt"
Hành trình “giữ hồn” của chợ
Gặp ông vào một ngày cuối tháng 5, giữa tiết trời nắng nóng của thành phố mang tên Bác, chúng tôi được nghe chia sẻ rất nhiều về hành trình chụp ảnh các ngôi chợ của một cụ ông năm nay đã tròn 80 tuổi. Từng chiếc tủ kính trong nhà đều dùng để trưng bày các bức ảnh lớn, nhỏ ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ mà ông đến với chợ, cùng những danh lam, thắng cảnh lịch sử của đất nước.
“Đối với tôi, những bức ảnh này tuy nhỏ, đơn giản nhưng nó mang giá trị rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Gần cả đời mình dành trọn cho chợ, nên đây là thứ quý nhất đối với tôi. Nếu chúng ta không thể níu giữ được thời gian thì sao không lưu chúng lại bằng những bức ảnh. Mỗi con người đi qua trong cuộc đời của chúng ta đều là cái duyên, ở được với nhau thì đó là nợ. Vậy nên, tôi muốn chụp ảnh để lưu giữ lại kỷ niệm của những người mà mình gặp và những nơi đã đi qua”, ông Phước chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, bản thân vốn đam mê chụp ảnh từ nhỏ nhưng vì không có điều kiện nên ông đành gác lại ước mơ đi du lịch, chụp ảnh. Ông bắt tay vào đầu tư làm nông nghiệp, chăn nuôi trên chính mảnh đất hiện nay gia đình đang sinh sống. Sau nhiều năm, khi đã ổn định về kinh tế, sở thích bấy lâu âm ỉ trong ông mới có dịp “bùng cháy”. Ông quyết định đi khắp các vùng miền trên cả nước để chụp ảnh về chợ. Càng đi nhiều, ông lại càng thấy các ngôi chợ có sức hấp dẫn, lôi cuốn kỳ lạ, nhất là những chợ phiên và chợ vùng núi cao, chợ của dân tộc bởi những nét văn hóa độc đáo còn lưu giữ tại đây.
Nhiều người hỏi, đất nước mình có biết bao cảnh đẹp, sao ông lại chọn những ngôi chợ lụp xụp, nhếch nhác để chụp? Những lúc ấy, ông chỉ nói: “Muốn biết về đời sống vùng đất nào, mình hãy đến chợ của vùng đó, bởi chợ phản ánh rất trung thực từ phong tục tập quán, đến mức sống của người dân. Chợ Việt Nam mang nét đẹp rất riêng, đặc biệt các quốc gia khác không thể có được. Chợ ngoài là nơi để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, còn là cách để tìm hiểu về bản sắc văn hóa bản địa mỗi vùng, miền”.
Bức ảnh đầu tiên ông chụp là chợ Bến Thành vào năm 1953. Lần đó, ông cùng gia đình dạo chơi qua chợ, bỗng nảy ra ý muốn chụp ảnh lưu niệm bên biểu tượng của thành phố. Không hiểu vì lý do gì ông lại thích, say mê nhìn ngắm ngôi chợ, rồi nghĩ “phải tìm và chụp bằng được tất cả chợ ở thành phố”. Bắt đầu từ đó, ông học chụp ảnh rồi rong ruổi khắp thành phố, từ nội ô ra ngoại thành để chụp ảnh chợ. Theo các tài liệu thống kê, tại TP.HCM có 230 ngôi chợ truyền thống thì đến nay ông Phước đã chụp được 221 ngôi chợ.
Hết chợ ở Sài Gòn, ông vác ba lô, lặn lội tìm đến chợ các tỉnh lân cận, rồi ra đến miền Trung, miền Bắc. Thấy ông lão say sưa chụp từng ngóc ngách khu chợ, bà con tiểu thương, người dân quê xúm lại nhờ ông chụp cho vài tấm miễn phí. Tự dưng ông nghiệm ra, mình không nên chụp cảnh chợ mà phải chụp với những con người trong chợ, bởi chính họ làm nên đặc trưng, bản sắc giúp cảnh chợ sống động hơn.
Nhớ lại những năm đầu tiên, ông Phước chụp bằng máy phim với những tấm hình đơn sơ và cũng vì mới chụp không có kinh nghiệm nên bố cục ảnh còn lộn xộn. Nay, ông đầu tư máy kỹ thuật số, tay nghề được nâng cao nên những bức ảnh dần đi vào khuôn nếp, bố cục rõ ràng, sắc nét. Khi cuộc sống khá giả hơn, ông sắm cho mình một chiếc xe ô-tô hiệu Matiz rong ruổi dọc mảnh đất hình chữ S bằng những chuyến đi xuyên Việt.
Chuyến đi ngắn thì mất vài ngày, chuyến dài có khi lên tới cả tháng và chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ dừng bước. Điều thú vị là có những ngôi chợ ông chụp, qua thời gian đã “biến mất”, nó chỉ còn lại trong ký ức của người địa phương và trên những bức ảnh của ông còn lưu lại. “Chính vì thế, đến bất kỳ đâu, điều đầu tiên tôi tìm kiếm là chợ. Phải chụp hết những ngôi chợ mình đã đi qua, tôi mới cảm thấy thoải mái, vui vẻ, nếu bỏ lỡ ngôi chợ nào là trong lòng cảm thấy day dứt không yên”, ông Phước tâm sự.
Người lưu giữ văn hoá Việt
Mặt sau mỗi bức ảnh, ở mặt ông tỉ mỉ ghi rõ tên chợ, địa điểm, ngày tháng chụp và thông tin về người dân chụp cùng mình trong ảnh. Các tấm hình chụp chợ đều được đánh số và xếp theo thứ tự ngày, tháng, tỉnh, thành, riêng có tập xếp theo thứ tự A, B,C… Trong ký ức của ông Phước, chợ thành thị ít mang nét đặc trưng văn hóa rõ như ở các vùng quê xa xôi. Mỗi ngôi chợ thể hiện rõ bản sắc văn hóa riêng của địa phương đó. Không chỉ đơn thuần là “thợ chụp” để lưu lại cảnh chợ, ông Phước còn là người am hiểu về những ngôi chợ mình đã đến, đã chụp bởi thế bạn bè thường gọi ông là “nhà chợ học”.
Ông Phước lật từng trang ảnh, say sưa kể tỉ mỉ từng nét đẹp, cái hay của chợ khắp 3 miền Việt Nam. “Nói đến chợ Láng, chợ Mơ người ta nghĩ ngay đến húng Láng, đậu Mơ thơm ngon nức tiếng; nói đến chợ Bà Rén (xã Quế Sơn, Quảng Nam) người ta nghĩ ngay đến nghề bồng heo có một không hai; rồi có chợ Chàng, chợ Nàng, chợ Ông, chợ Bà…”, ông Phước nói thêm.
Có những ngôi chợ gắn liền với văn hóa tâm linh như phiên chợ Âm Dương (chợ Âm Phủ) ở làng Ó (Võ Giang, Bắc Ninh). Phiên chợ mỗi năm họp một lần vào đêm mồng 04/01 đến rạng sáng 05/01 âm lịch. Theo huyền sử, nơi đây ngày xưa là chiến trường, có nhiều tử sĩ. Chợ họp để người “trần” có cơ hội trò chuyện, cầu may, cầu phúc… Chợ họp vào ban đêm nhưng không ai được đốt đèn, không được nói lớn hay mặc cả. Hàng hóa chỉ có giấy tiền, vàng mã, trái cây, trầu cau, hương hoa...
Đặc biệt, ở những phiên chợ vùng cao còn là nơi giao duyên. Người đến chợ không chỉ trao đổi các sản phẩm, mua những món hàng mình thích mà còn là nơi trao đổi thông tin, tình cảm đôi lứa. Đó là những phiên chợ tình của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.
Đồng bào dân tộc xuống núi, mặc trên mình những bộ váy truyền thống sặc sỡ, xem phiên chợ như ngày hội. Tiếng khèn, tiếng sáo vang vọng khắp núi rừng, tạo nên không gian văn hóa rất ấn tượng. Các món hàng được bày bán khá đa dạng, phong phú nhưng hầu như đều do người đồng bào dân tộc tự làm theo kiểu thủ công. Những phiên chợ vùng cao tạo nên được nét đặc trưng, độc đáo mà không hề lẫn với bất kỳ chợ nào trên khắp cả nước”, ông Phước nói.
Nếu như ngoài Bắc với những phiên chợ miền núi mang bản sắc dân tộc vùng cao thì đến miền Nam lại nổi tiếng với những phiên chợ nổi trên sông, với phương tiện trao đổi hàng hóa đều trên ghe thuyền.
Để có được hàng chục ngàn tấm hình ấy, ông phải kiên trì, bền bỉ, vui buồn, khó khăn cũng nhiều vô kể. Đối với ông, chụp chợ không phải là bắt gặp khoảnh khắc mà là hành trình của sự kiên trì với sự đam mê muốn khám phá về văn hóa của chợ, nên dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn chưa có ý định dừng lại.
Niềm đam mê chụp ảnh chợ vẫn thôi thúc ông đến những miền đất mới, để tìm mảnh hồn Việt qua những nét chợ quê. Xe bon bon qua những ngôi chợ nhộn nhịp, ông cảm khái viết lên bài thơ về 5 ngôi chợ đã trở thành biểu tượng cho mỗi vùng trên dải đất hình chữ S này: “Lũng Cú chợ ở đỉnh đầu/ Thủ đô yêu dấu Đồng Xuân gọi là/ Đông Ba giữa cái nước đấy mà/ Bến Thành ghi dấu Bác ra nước ngoài/ Vươn theo chữ S chiều dài/ Tận cùng Đất Mũi trải dài Việt Nam”.
Năm 2005, ông Phước được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “Người chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam”. Dựa vào số lượng ảnh chợ của ông, trung tâm đã xuất bản 2 cuốn sách: 100 ngôi chợ nổi tiếng ở Việt Nam và cuốn 100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam.