Đợt 1 năm 2024: Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã hỗ trợ thành công 12 sản phẩm đạt OCOP
Chương trình được lan tỏa mạnh mẽ
Tại huyện Hiệp Hòa để thực hiện có hiệu quả Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025”, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã ban hành Kế hoạch để triển khai, sau đó tại 25 cơ sở Hội trên địa bàn đã đều ban hành Kế hoạch thực hiện.
Để giúp cho cán bộ Hội Nông dân cơ sở, các chủ thể có sản phẩm tiềm năng đạt OCOP nắm rõ hơn về chương trình và triển khai có hiệu quả tại địa phương, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho 45 đại biểu là Chủ tịch HND các xã, thị trấn và các chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm OCOP năm 2024. Cùng với đó Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức 01 lớp tập huấn cho 150 hộ gia đình hội viên nông dân tại xã Đồng Tân về trồng và chăm sóc măng Lục Trúc để xây dựng sản phẩm OCOP năm 2024.
Nhận thức rõ vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, các cấp Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã, từ đó lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, truyền thống để xây dựng sản phẩm OCOP.
Trên cơ sở 32 chủ thể đăng ký để tham gia đánh giá phân hạng OCOP năm 2024; ngay từ những tháng đầu năm Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hiệp Hòa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hiệp Hòa để đi tới từng chủ thể là các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã có sản phẩm đăng ký, để nắm bắt tình hình cụ thể (sản xuất, lập hồ sơ đăng ký OCOP, chế biến – tiêu thụ sản phẩm, xây dựng bao bì, tem nhãn mác sản phẩm…) sau đó Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã cùng phối hợp với các đơn vị liên quan và đưa ra những phương án hỗ trợ cụ thể, kịp thời cho từng chủ thể.
Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cho hay: Ngoài việc tập huấn tại hội trường, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã luôn bám sát địa bàn, nắm vững từng cơ sở và đi đến trực tiếp để tư vấn, đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời (hỗ trợ kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, lập hồ sơ đăng ký OCOP…) để các chủ thể yên tâm phát triển sản xuất, từ đó các chủ thể và sản phẩm OCOP Hiệp Hòa đã ngày một phát triển. Trong đợt 1 năm 2024 chúng tôi đã hỗ trợ được 17 sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, sau đó có 12 sản phẩm đã đạt OCOP (1 sản phẩm 4 sao và 11 sản phẩm 3 sao).
Sản phẩm đa dạng đặc sắc
Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa, Chương trình OCOP đã được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn các địa phương của huyện Hiệp Hòa, các chủ thể có sản phẩm OCOP trong năm 2024 đã phát triển toàn diện từ thị trấn Thắng (trung tâm chính trị-xã hội của huyện) đến các xã Danh Thắng, Thái Sơn, Lương Phong và Hòa Sơn, Đồng Tân, Đông Lỗ; các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cũng rất đa dạng, đặc sắc từ chả quế, lạp sườn, giò lụa đến măng Lục Trúc, cao đinh lăng, trám đen muối, gạo nếp…
Ông Ngọ Văn Thuần – Chủ cơ sở sản xuất Ngọ Văn Thuần ở xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa cho biết: Gia đình tôi đã làm giò, chả từ lâu đời, sản phẩm đang được bán và phân phối tại chính cơ sở, cũng như nhiều cửa hàng, đại lý trong và ngoài huyện Hiệp Hòa. Thời gian qua, được các cấp Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa hỗ trợ tư vấn xây dựng sản phẩm giò của gia đình để tham gia đánh giá chứng nhận sản phẩm OCOP, năm 2024 gia đình tôi đã mạnh dạn đưa 2 sản phẩm là Giò lụa Thuần Lương và Giò hạt lựu Thuần Lương tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
“Giờ đây sản phẩm của gia đình đã có tem, nhãn mác truy xuất được nguồn gốc, người sử dụng chỉ cần có chiếc điện thoại là kiểm tra được thông tin về sản phẩm, ngày sản xuất, chất lượng sản phẩm… Đây là sự khởi đầu quan trọng để gia đình tôi đẩy mạnh kế hoạch bán hàng, marketing, đưa sản phẩm tới khách hàng trên mọi miền Tổ quốc trong thời gian tới” ông Thuần cho hay.
Cũng là sản phẩm tiêu biểu của huyện Hiệp Hòa, nhưng đây là lần thứ 2 sản phẩm “Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn” tham gia đánh phân hạng sản phẩm OCOP và đạt 4 sao, năm 2021 đã đạt OCOP 3 sao. Ông La Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn cho hay: Những năm qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ người dân trồng lúa ở xã Thái Sơn từ kỹ thuật canh tác, giống, phân bón… vì vậy mà “Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn” cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đối với an toàn thực phẩm), năm 2024 “Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn” tiếp tục được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Giang, đây sẽ là động lực rất lớn để người dân xã Thái Sơn tin tưởng và đưa sản phẩm gạo nếp của mình vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.
Đến nay huyện Hiệp Hòa đã có gần 40 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa. Từ khi nhận được chứng nhận là sản phẩm OCOP của huyện Hiệp Hòa, của tỉnh Bắc Giang, các chủ thể cũng đã từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh từ phương thức truyền thống sang phương thức hiện đại, bắt nhịp kịp thời với xu thế; nâng độ phủ sóng của sản phẩm OCOP ở địa phương mình ra các thị trường lớn hơn; đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.
Đánh giá phân hạng OCOP huyện Hiệp Hòa đợt 1 năm 2024, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã hỗ trợ thành công 12 sản phẩm đạt OCOP (11 sản phẩm 3 sao và 01 sản phẩm 4 sao).