OCOP Cao Bằng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển
Nâng cao giá trị làng nghề truyền thống
Ông Nông Văn Đài - Phó chủ tịch UBND xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) cho hay: Với lợi thế của địa phương là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong phát triển các sản phẩm OCOP thời gian qua, xã Phúc Sen đã hỗ trợ các chủ thể thiết lập mã truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, hỗ trợ đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm, tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm ở các hội chợ…Đến nay Phúc Sen đã vinh dự có 6 sản phẩm OCOP, các OCOP đã góp phần thúc đẩy kinh tế kinh tế nông thôn phát triển nhất là các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…
Chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Nông Văn Sơn ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng), gia đình đã có sản phẩm dao đã được công nhận là sản phẩm OCOP từ năm 2021. Anh Nông Văn Sơn phấn khởi cho hay: Trên địa bàn chúng tôi có Làng nghề truyền thống chuyên rèn các loại dao và dụng cụ sản xuất nông nghiệp truyền thống rất lâu đời, được ông cha gìn giữ và truyền lại cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước đây dao của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến và tin tưởng mua về sử dụng, chính vì vậy từ khi được chứng nhận OCOP sản phẩm dao của gia đình tôi lại càng được sự tin tưởng của người tiêu dùng nhiều hơn… Cũng từ đó mà gia đình tôi đã mở rộng xưởng sản xuất và kinh doanh ngày một phát triển.
Cũng như ở gia đình nhà anh Nông Văn Sơn, từ khi được chứng nhận OCOP Hợp tác xã (HTX) Minh Tuấn ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) cũng đã có nhiều sự phát triển, ông Nông Minh Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Minh Tuấn cho biết: Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng, HTX chúng tôi đã chỉnh trang lại nhà xưởng sản xuất, mở rộng thêm nơi trưng bày sản phẩm… và thiết kế thêm dịch vụ sản xuất để khách thăm quan trải nghiệm.
“Giờ đây du khách đến với HTX Minh Tuấn vừa được xem các nghệ nhân sản xuất dao lại vừa được trực tiếp tham gia vào các khâu sản xuất, thăm quan các sản phẩm… do HTX làm ra” ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra từ khi được chứng nhận OCOP, HTX Minh Tuấn cũng đã được các ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng hỗ trợ nhằm đưa sản phẩm đi giới thiệu và bày bán tại nhiều điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và các Hội chợ du lịch, thương mại lớn trong nước như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, TP. Hà Nội...
Theo thống kê của UBND xã Phúc Sen, hiện nay trên địa bàn xã Phúc Sen đang có khoảng 150 lò rèn truyền thống, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Từ khi các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP thì việc tiêu thụ đã được thuận lợi từ trong nước đến thị trường quốc tế. Vì vậy đến nay trung bình mỗi năm nghề rèn mang lại thu nhập cho xã Phúc Sen hơn 18 tỷ đồng.
Thúc đẩy kinh tế du lịch nông thôn đặc sắc
Chia tay các gia đình ở Làng nghề rèn xã Phúc Sen chúng tôi tới Làng đá Khuổi Ky ở xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), Làng đá Khuổi Ky đã có tuổi đời lên đến hơn 400 năm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày. Không chỉ độc đáo với những ngôi nhà được làm bằng đá mà ở Làng Khuổi Ky cũng đang có cơ sở Lan's Homestay đạt OCOP 4 sao của tỉnh Cao Bằng ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn.
Chị Hoàng Thị Lan chủ Lan's Homestay cho hay: Trước khi đầu tư du lịch ở địa phương, tôi đã có may mắn được đi trải nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới, càng đi nhiều nơi tôi càng nhận ra quê hương Làng đá Khuổi Ky của mình có nhiều tiềm năng lớn về cảnh quan, văn hóa. Chính vì vậy năm 2018 trên mảnh đất của gia đình, tôi đã cải tạo và xây dựng dãy nhà sàn theo kiểu truyền thống của người Tày địa phương. Với lợi thế phía trước nhà là dòng sông Quây Sơn xanh mát chảy qua, xung quanh là ruộng, vườn, núi đồi - tạo nên vẻ đẹp hữu tình, vì vậy Lan's Homestay đã nhanh chóng gây được ấn tượng cho du khách đến với nơi đây.
“Từ Lan's Homestay, du khách có thể đi dạo để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, chèo thuyền ngắm sông Quây Sơn, đạp xe hay đi xe máy tới thăm các địa danh nổi tiếng như: Thác Bản Giốc, thượng nguồn sông Quây Sơn tại xã Ngọc Côn, chợ phiên… Với những lợi thế đó Lan's Homestay đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng. Giờ đây từ những hoạt động của mình Lan's Homestay đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 người dân ở địa phương.
Cũng như ở Lan's Homestay, nằm cách TP.Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) khoảng 40 km về phía Bắc là Mế Farmstay ở xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cũng là điểm du lịch trải nghiệm nhà vườn và nông trại độc đáo.
Mế Farmstay được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao loại hình du lịch dịch vụ nông thôn năm 2021. Đến với Mế Farmstay, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân địa phương như: Gặt lúa, hái rau, củ, quả và trải nghiệm nấu các món ăn đặc sản dân tộc… Đặc biệt, du khách còn được tìm hiểu về các nghề thủ công truyền thống của đồng bào như: Làm hương thảo mộc, làm giấy, hoặc tìm hiểu những nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân bản địa qua các vật dụng trưng bày trong nhà, các nông cụ sản xuất…
Một trải nghiệm thú vị không nên bỏ lỡ khi đến Mế Farmstay là chèo bè gỗ trên dòng sông hiền hòa để thưởng ngoạn cảnh sắc tráng lệ. Chiếc bè gỗ nhẹ nhàng lướt trên mặt nước yên ả đưa du khách vào hành trình khám phá một vùng nước non hùng vĩ của phía Bắc Tổ quốc.
Tuy chưa có nhiều nhưng những sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch nông thôn của tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua đã phát huy tiềm năng, lợi thế bản sắc văn hóa, khí hậu, cảnh quan của địa phương, từ đó cũng đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
OCOP đánh thức tiềm năng kinh tế
Tỉnh Cao Bằng và ngành Nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã luôn xác định phát triển ngành nghề nông thôn và thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn. Việc phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công, nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cùng với lợi ích về kinh tế, những thành quả mà Chương trình OCOP Cao Bằng đem lại đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền; góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nội lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua đã thật sự lan tỏa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bởi đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, các ngành và người dân địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các ban, ngành, địa phương đã ngày càng được gắn kết chặt chẽ. Đặc biệt trong số các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận, bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng: Trong năm 2024, toàn tỉnh Cao Bằng đang phấn đấu có thêm 30 sản phẩm đăng ký mới được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ nâng hạng 01 sản phẩm có tiềm năng lên hạng 5 sao. Tỉnh Cao Bằng cũng sẽ chuẩn bị tốt những điều kiện để tổ chức các Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện và lựa chọn các sản phẩm đặc trưng tham gia hội chợ thương mại khu vực, trong nước và quốc tế; Xây dựng 04 điểm mua sắm gắn với hệ thống các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương; Duy trì, củng cố 100% sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng…