Nâng tầm đặc sản “vải trứng” Hưng Yên
Theo người dân huyện Phù Cừ, cây vải Tổ” trên đất Phù Cừ thuộc gia đình ông Nguyễn Văn Diệm ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam đã có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy đã lâu năm nhưng quả từ cây “vải Tổ” luôn có màu sắc đỏ tươi, trái to, bên trong có cùi dày, bóc không ướt tay nhưng lại ngọt thanh, độc đáo mà không nơi đâu có được.
Nhằm bảo tồn và phát triển giá trị cây “vải Tổ” quý này, nhiều năm qua người dân xã Phan Sào Nam đã nhân giống bằng cách chiết cành trực tiếp từ cây “vải Tổ” nên quả vải vẫn giữ được hương vị đặc trưng riêng đặc biệt quả vải có hình dạng giống quả trứng, nên được đặt tên là “vải Trứng”. Đến nay trên địa bàn huyện Phù Cừ đã nhiều vườn vải, gốc vải trứng có tuổi đời vài chục năm tuổi, đem lại kinh tế khá giả cho người dân.
Ông Vũ Xuân Thủy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cừ cho biết: Để hỗ trợ người dân phát triển cây vải trứng, những năm qua huyện Phù Cừ đã triển khai nhiều Kế hoạch cụ thể để hỗ trợ người dân từ việc nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…
Trước đây những cây vải trứng ở Phù Cừ thường một năm cho quả một năm nuôi cành. Chính vì vậy huyện Phù Cừ đã chủ động hỗ trợ người dân trồng vải bằng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng trồng theo quy trình VietGAP vì vậy nhiều hộ trồng vải trứng đã khắc phục được hạn chế này và cây vải trứng đã ra hoa đều hằng năm.
Ngoài ra, trong quá trình ra hoa đậu quả của vải trứng bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5,6 hàng năm. Thời điểm này hay có mưa (trong mưa sẽ có lượng axit nhất định) điều này sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ ra hoa, đậu quả và nuôi quả. Vì vậy với sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên, các nhà vườn huyện Phù Cừ đã chủ động áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, lắp đặt máy đo mưa và phân tích lượng axit trong mưa, khi thấy có lượng axit vượt quá ngưỡng cho phép thì sẽ sử dụng hệ thống phun mưa tự động để làm giảm lượng axit trong mưa.
Cùng với việc áp dụng chuyển đổi số trong canh tác, huyện Phù Cừ còn hỗ trợ người dân xây dựng thành công sản phẩm vải trứng đạt OCOP 4 sao vào năm 2020. Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, vải trứng Phù Cừ đã thuận lợi hơn rất nhiều trong các khâu: Quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử… Góp phần tích cực nâng cao giá trị vải trứng Phù Cừ (Đến nay diện tích trồng toàn huyện được 350ha, giá bán từ 120.000-150.000 đồng/kg, mà còn rất khan hàng).
Ông Thủy cho biết thêm: Hiện nay trên địa bàn huyện Phù Cừ chúng tôi ngoài xã Phan Sào Nam giờ đây vải trứng đã được trồng ở các xã Minh Tân, Quang Hưng, thị trấn Trần Cao... Với giá bán quả vải trứng size từ 17 - 20 quả/kg khoảng 150.000 đồng/kg, size từ 21 - 25 quả khoảng 120.000 đồng/kg. Vì vậy vải trứng đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Phù Cừ, đem lại kinh tế rất khá cho các hộ gia đình trồng vải.
Không chỉ ở huyện Phù Cừ, tại huyện Ân Thi (huyện nằm giáp huyện Phù Cừ) trong những năm vừa qua người dân cũng đã tích cực trồng và phát triển giống cây vải trứng quý này.
Bà Cao Thị Tân – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ân Thi cho biết: Sản phẩm quả vải trứng có nguồn gốc từ huyện Phù Cừ khi trồng trên đất Ân Thi cũng cho chất lượng quả rất tốt từ màu sắc đến hương vị đều được đánh giá cao. Để hỗ trợ cho cây vải trứng phát triển và người dân trồng, ngành Nông nghiệp huyện Ân Thi cũng đã tích cực hỗ trợ bà con nông dân từ việc lựa chọn đúng giống cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm… Đến nay sản phẩm vải trứng của Ân Thi cũng đã xây dựng thành công đạt chứng nhận OCOP 4 sao – năm 2023.
Để cây vải trứng phát triển thuận lợi trên đất Ân Thi, huyện Ân Thi cũng đã chủ động phối hợp người dân để thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình có cùng sở thích để trồng và phát triển cây vải trứng. Từ đó việc trồng vải trứng đã được các nhà vườn áp dụng theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ quá trình: Trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đều được theo dõi, ghi chép vào sổ đầy đủ, sản phẩm vải trứng luôn phải đảm bảo an toàn khi đến tay người tiêu dùng sử dụng.
Từ khi nhận được chứng nhận là OCOP toàn bộ sản phẩm vải trứng của huyện Phù Cừ, Ân Thi trước khi được xuất bán ra thị trường đều được gắn tem, nhãn mác… để người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại quét mã QR-Code tra cứu thông tin về sản phẩm (thông tin về nhà vườn, quy trình chăm sóc, thu hoạch, số điện thoại liên hệ…). Từ đó cũng đã góp phần nâng cao được quy trình sản xuất của các nhà vườn, cũng như việc quản lý của các cơ quan chức năng.
Giờ đây qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Tiktok… vào mùa vải trứng Hưng Yên cuối tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, người tiêu dùng trên cả nước còn có thể tự mình lựa chọn, đặt mua sản phẩm “vải trứng Hưng Yên” trực tiếp tại các nhà vườn để sử dụng và trải nghiệm sản phẩm vô cùng đặc sắc, chất lượng này.
Không chỉ thành công trong xây dựng và lưu giữ được sản phẩm vải trứng Hưng Yên chất lượng tốt nhất, giờ đây với sự hỗ trợ của địa phương và ngành du lịch tỉnh Hưng Yên, cây “vải Tổ” và các vườn vải trứng trên địa bàn huyện Phù Cừ, Ân Thi đã đẩy mạnh hoạt động du lịch thăm quan vườn vải.
Từ đó hoạt động trải nghiệm du lịch ở cây "vải Tổ" hay vườn vải trứng đã trở thành điểm thăm quan, chụp ảnh hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh Hưng Yên, nhất là vào tháng 5-6 khi mùa vải trứng chín nhất. Dạo quanh những vườn vải chín đỏ rực, khi đó du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về nguồn gốc cây "vải Tổ" - vải trứng; được trực tiếp hái và thưởng thức những quả vải trứng đỏ căng mọng trong một không gian yên tĩnh với bầu không khí trong lành sẽ là trải nghiệm thú vị, đặc sắc cho du khách khi về Hưng Yên./.