Hỗ trợ nông dân

Hậu Giang: Đề xuất giải pháp hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hướng đến thị trường

Ái Vân - 14:09 28/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 27/4, tại tỉnh Hậu Giang, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản tỉnh Hậu Giang.

Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và gần 30 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đến từ TP. Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tiềm năng sản xuất và tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, nhất là các loại nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Hậu Giang và trao đổi nhiều thông tin liên quan về tiêu thụ sản phẩm.

Các đại biểu đã nêu những khó khăn, hạn chế; đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Hậu Giang và các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến nông sản, dịch vụ kho lạnh, logistics, chứng nhận nông nghiệp của TP. HCM và các tỉnh trong vùng.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Hậu Giang có trên 100 nghìn hecta đất nông nghiệp với nhiều loại sản phẩm đa dạng và gần 220 hợp tác xã nông nghiệp. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn theo chuỗi giá trị.

Ngành Nông nghiệp đang tập trung đầu tư cho 15 hợp tác xã, 3 doanh nghiệp theo Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, hiện các hợp tác xã vẫn còn hạn chế về quy mô, nhãn mác, bao bì sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, thời gian tới, diện tích lúa sẽ bị giảm do thu hồi thi công các tuyến cao tốc nên sự phối hợp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Hậu Giang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng nông dân sản xuất và bán nông sản thông qua thương lái vẫn còn rất lớn, giá cả thường không ổn định, chi phí sản xuất ngày càng tăng.

Nguyên nhân là do thiếu sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và hợp tác xã; Đa số nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến chưa đồng bộ. Một số hợp tác xã hoạt động yếu, cầm chừng, không phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất còn cao nên lợi nhuận của nông dân thấp. Việc ký kết bao tiêu giữa nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn rất ít và hạn chế, chưa có hợp đồng bao tiêu cụ thể. Hầu hết các doanh nghiệp khi đến Hậu Giang chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng vùng nguyên liệu mà chủ yếu giao cho thương lái đi thu gom…

Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ: Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, chủ thể các sản phẩm OCOP, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông sản góp phần liên kết và tiêu thụ nông sản Hậu Giang với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, chế biến nông sản, dịch vụ kho lạnh, logistic, công nghệ số, chứng nhận nông nghiệp TP. HCM trong thời gian tới; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 địa phương giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về liên kết và tiêu thụ nông sản trong tình hình mới. Qua Hội nghị giúp Doanh nghiệp, HTX, chủ thể các sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp trao đổi, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Tỉnh Hậu Giang có trên 140 nghìn hecta đất nông nghiệp; trong đó, có trên 2.586ha đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 117 vùng trồng được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích trên 1.860ha, sản lượng trên 32.466 tấn.

Đến tháng 4/2023, tỉnh có 8 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu lúa với diện tích 8.543ha, sản lượng trên 42.506 tấn với 7.550 hộ tham gia. Đối với cây ăn trái, có 4 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã liên kết với diện tích 1.283ha, sản lượng 8.209 tấn với 986 hộ.

Đối với thủy sản, tình hình tiêu thụ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng sản xuất cung vượt cầu, phần lớn các loài thủy sản thương phẩm quan trọng, chủ lực có xu hướng tăng dần và đều cao hơn giá thành sản xuất, người nuôi có lợi nhuận khá.

Nhìn chung, các mặt hàng nông thuỷ sản hiện nay không có dấu hiệu tồn đọng, ùn ứ. Để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích và hỗ trợ sản xuất theo kiểu mới, tập trung sản xuất kinh doanh nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản.

Ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng lớn, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, nghiên cứu xây dựng thương hiệu giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường. Đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất, gắn với thực hiện Chương trình OCOP; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại để tìm ra hướng tiêu thụ sản phẩm…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác