Nông thôn mới

Hiệu quả mô hình “Xã thông minh” Quảng Thọ

Sơn An - 13:11 24/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) là 1 trong 6 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm “Xã nông thôn mới (NTM) thông minh” của Trung ương trong Chương trình Chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh.

Tăng cường hỗ trợ để chính quyền cấp xã “thông minh hơn”
Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện chuyển đổi số tại khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình “Xã thông minh” tại xã Quảng Thọ với quyết tâm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”. Đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet. 
Tại buổi làm việc với UBND huyện Quảng Điền về việc điều chỉnh mô hình “Xã thông minh” và chương trình Chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế đã nêu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai CĐS tại địa phương và điều chỉnh mô hình “Xã thông minh” tại xã Quảng Thọ. 

Phòng Giám sát điều hành xã thông minh tại UBND xã Quảng Thọ. 

Theo đó, về xây dựng chính quyền số, Sở đề nghị địa phương tập trung ứng dụng nền tảng văn phòng số trên phần mềm Hue-S để phục vụ công tác quản trị hành chính. Sở sẽ phối hợp, hỗ trợ chuyển giao, quan tâm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công. Kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu của huyện sẵn có, Sở hỗ trợ bộ công cụ số hóa của tỉnh nhằm khai thác, giúp người dân thụ hưởng kết quả, ứng dụng hiệu quả cho công tác quản lý.
Về xã hội số, ông Nguyễn Xuân Sơn lưu ý đẩy mạnh các nội dung đào tạo, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng bao gồm 5 nhiệm vụ chính: Cài đặt phần mềm Hue-S cho toàn bộ người dân; Định hướng cho người dân tiếp cận công cụ chính thống và có khả năng bảo vệ thông tin người dùng; Kỹ năng khai thác và hướng dẫn các chức năng và lan tỏa để bà con tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trên Hue-S; Giúp chính quyền địa phương tạo lập dữ liệu số về hộ nghèo, địa chỉ số và các khảo sát khác.
Về Kinh tế số, tập trung vào 2 sản phẩm chính là rau má và mây tre đan Bao La, kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc gia và quốc tế đưa sản phẩm lên sàn nhằm kích thích tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sử dụng Ví điện tử trên Hue-S để thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, học phí, dịch vụ công…
Nói về triển khai mô hình “Xã thông minh” ở Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã, Sở Thông tin Truyền thông đã hỗ trợ nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng điểm truy cập tập trung tại trụ sở UBND xã. Sở đã phối hợp đào tạo, bổ sung nguồn lực chuyên trách CNTT cho xã và hoàn thiện Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp xã. Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến, chương trình truyền thanh thông minh, tổ chức thực hiện các giải pháp, ứng dụng dịch vụ tương tác chính quyền với người dân và hệ thống báo cáo số từ xã đến huyện/tỉnh.  
Sở cũng phối hợp với xã xây dựng Phòng Điều hành xã NTM công nghệ 4.0, nâng cấp hệ thống cáp quang về tận thôn và hỗ trợ điện thoại thông minh và hệ thống mạng ban đầu cho 1.000 người dân chưa có điện thoại thông minh”.  
Những kết quả tích cực 
Để hoàn thiện Chính quyền điện tử cấp xã, Quảng Thọ đã đưa vào hoạt động Phòng Điều hành xã thông minh trang bị 2 bộ máy vi tính, 6 màn hình hiển thị, phục vụ họp trực tuyến, hội thảo, quan sát, theo dõi qua hệ thống camera, trang bị máy in màu, máy scan …; đường truyền CPNet nội bộ của cơ quan, đường truyền internet phục vụ hoạt động của Phòng được nâng cấp có lưu lượng lớn hơn. Phòng Giám sát điều hành xã thông minh đã tích hợp dữ liệu của các hệ thống xử lý dịch vụ công tập trung nhằm theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; tích hợp kết quả từ thiết bị quan trắc chất lượng không khí “PAM Air”, cung cấp diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm không khí theo thời gian thực tại trên địa bàn xã. 
Hệ thống internet đã phủ khắp các thôn, xã đã lắp 9 điểm Wifi công cộng. Toàn xã hiện nay có 31 camera được kết nối vào hệ thống của Phòng Điều hành phục vụ quan sát các điểm xung yếu, ngập lụt trong mùa mưa bão, những điểm trung tâm tại các thôn nhằm đảm bảo an ninh trật tự. 
Ông Nguyễn Thanh Hòa, người dân xã Quảng Thọ vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi hưởng lợi nhiều từ mô hình xã thông minh. Vui nhất là có sóng wifi, lướt internet công cộng miễn phí cho nên người dân có thể cập nhật thông tin nhanh chóng, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản”.

Xã triển khai các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số theo tiêu chí “4 không, 1 có” (Làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung nhiều; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt; dữ liệu có số hóa). UBND xã đã thành lập và đưa vào hoạt động Fanpage “Cổng thông tin xã Quảng Thọ” trên mạng xã hội Facebook, là kênh thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các hoạt động trên địa bàn xã, là kênh tương tác, trao đổi trực tiếp của chính quyền với nhân dân. 
Thời gian qua, UBND xã Quảng Thọ đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, các đơn vị thanh toán tổ chức 7 đợt về địa bàn để tạo tài khoản thanh toán trực tuyến ViettelPay cho khách hàng. Trên địa bàn xã hiện có 1.065/1959 hộ gia đình, 100% cán bộ, công chức của xã có tài khoản ViettelPay và tài khoản các ngân hàng khác phục vụ thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet… không dùng tiền mặt.
Theo ông Trần Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, hiện nông nghiệp ở xã phát triển rất tốt, nhiều mô hình, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được chú trọng sản xuất. UBND xã đã chọn HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử cho nông hộ và HTX nhằm quảng bá các sản phẩm mà HTX đang sản xuất, kinh doanh như Trà rau má lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, sàn kinh tế hợp tác… 

Với lợi thế là địa phương đã triển khai thí điểm mô hình Xã thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế, xã Quảng Thọ đã đạt được những kết quả nhất định trong triển khai chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số. Thời gian tới, UBND xã tận dụng mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư các hệ thống, hạng mục để từng bước hoàn thiện 3 trụ cột này nhằm xây dựng xã NTM thông minh theo bộ tiêu chí của Trung ương”.
Ông Hoàng Công Phong -  Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác