Nông thôn mới

Thừa Thiên - Huế: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh kết hợp du lịch nông thôn           

Trần An Sơn - 08:00 01/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn về lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền cùng các sở, ban ngành, hội đoàn thể tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho cây trồng - vật nuôi. Những hoạt động đó gắn với phát triển nông nghiệp xanh và du lịch nông thôn nhằm đảm bảo đời sống nông dân, phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đẩy mạnh phát triển các dự án nông nghiệp “xanh - sạch” kết hợp du lịch trải nghiệm

Phát triển du lịch sinh thái Farmstay, du lịch xanh kết hợp với trải nghiệm cộng đồng đang trở thành xu hướng ở vùng nông thôn tỉnh Thừa thiên –Huế. Từ nhiều năm trở lại đây, mô hình lồng ghép các hoạt động du lịch vào sản xuất nông nghiệp đang được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

Theo ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, ngoài việc vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi các mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sắp tới thành phố Huế liên kết với các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp xanh, sạch kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm cũng được chú trọng nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở kết hợp công nghệ hiện đại với sản xuất truyền thống tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại phường Hương An, dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Khang Hân đang thu hút rất nhiều khách tham quan, trải nghiệm, nhất là trong những ngày nghỉ lễ 30/4 năm nay. Trên diện tích 2,2ha, Rơm Farm có 4 khu nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới, dưa lê Hoàng kim, rau củ quả... 2 khu nhà lưới khác dành trồng các loại rau xanh, dâu tây thuỷ canh. Diện tích còn lại Rơm Farm dành trồng bắp và một số loại cây trồng giá trị khác.

Vườn dưa trong trang trại Rơm Farm.

Du khách chụp ảnh tại trang trại Rơm Farm.

Bà Nguyễn Thị Đông Phương - Công ty TNHH Khang Hân chia sẻ: Điểm khác biệt giữa Rơm Farm và các trang trại thông thường là đưa ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu, từ việc làm đất, phói trộn nguyên liệu, quy trình tưới nhỏ giọt để trồng cây, phân bón, theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh ánh sáng… Quy trình này đã nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đồng thời giúp cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Rơm Farm còn áp dụng công nghệ tưới tự động, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, khắc phục được tính mùa vụ, giảm thiểu sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Theo bà Phương, ngoài việc cung cấp sản phẩm ra thị trường, công ty còn liên kết tổ chức các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm tại nông trại.

Đến thăm trang trại trồng thanh trà, bưởi cốm ở thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ (huyện Hương Trà) của ông Lê Đoàn, khách tham quan không khỏi trầm trồ bởi vườn cây xanh mướt, quả phát triển đều đẹp, dù giữa mùa nắng nóng. Ông Đoàn kể: “Mấy năm trước, vào mùa hè, nhiều vườn thanh trà, bưởi cốm ở đây thường xuyên thiếu nước tưới nên hiệu quả cây trồng không đạt. Sau khi nghiên cứu, tôi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước thay cho cách tưới tràn. Nhờ đó, cây được phân bổ nguồn nước đều đặn mà vẫn tiết kiệm được nguồn nước tưới”. Nhờ các sản vật trong trang trại đã thu hút rất nhiều khách đến trải nghiệm, mua hàng, nhất là vào kỳ nghỉ cuối tuần.

Khung cảnh trong trang trại Châu Chữ Farm.

Châu Chữ Farm (xã Thủy Bằng, TP. Huế) là nông trại ở vùng đồi núi với đa dạng các loại rau củ, sản vật tại địa phương như rau muống, rau thơm, cà tím, rau dền. Điều thuận lợi ở Châu Chữ Farm, đó là ngoài tham quan, trải nghiệm thu hoạch các loại rau củ, du khách có thể sử dụng dịch vụ lều trại của nông trại để thư giãn, nghỉ dưỡng, tận hưởng trọn vẹn nhất không gian thanh bình, mát lành của miền quê yên ả này.

Du khách trải nghiệm tại trang trại Châu Chữ Farm.

Để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã, phường mới sau khi 13 xã, phường được sáp nhập vào thành phố từ ngày 1/7/2021 theo Nghị quyết 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, TP. Huế đã và đang tăng cường công tác thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình du lịch nông thôn thu hút khách tham quan trải nghiệm, qua đó nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo nông thôn. 

Phát huy vai trò của Hội Nông dân hỗ trợ hội viên sản xuất nông nghiệp xanh gắn với xây dựng nông thôn mới

Hiện nay du lịch nông trại Farmstay phát triển đều khắp các địa phương trong tỉnh như tại xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Hồng Hạ (huyện A Lưới), xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), xã Hương Phú (huyện Nam Đông), xã Phong Hoà (huyện Phong Điền) và khu phường Thuỷ Biều (TP. Huế). Tại các Farmstay, nắm bắt được xu hướng mới của du lịch mới, Hội Nông dân các cấp phối hợp hỗ trợ các chủ cơ sở xây dựng, thiết kế các chương trình du lịch vui chơi thực tế và lồng ghép vào trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình.

Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện 13 mô hình phát triển sản xuất cho 168 hộ. Điển hình như mô hình: Hệ thống tưới vườn cây thanh trà tại phường Thuỷ Biểu (TP. Huế) và xã Dương Hoà (thị xã Hương Thuỷ); mô hình trồng Ổi VietGAP tại phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà); mô hình trồng riềng tại xã Quảng Thái, trồng bưởi da xanh tại xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) và xã Thượng Long (huyện Nam Đông); Mô hình trang trại kết hợp du lịch trải nghiệm ở TP Huế, huyện Hương Trà, huyện Phong Điền…

Qua đánh giá, các mô hình mang lại tính hiệu quả cao về kinh tế; cây trồng, vật nuôi đều thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Từ các mô hình đã giúp bà con nông dân từng bước nâng cao nhận thức về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Việc hỗ trợ nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn là phù hợp với nhu cầu của hội viên nông dân, khuyến khích, tạo động lực cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực  hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới do địa phương đề ra.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị  đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất do Hội ND hỗ trợ năm 2023 và triển khai các mô hình năm 2024. 

Theo ông Nguyễn Chí Quang - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tập trung nguồn lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục vận động hội viên nông dân tích cực thực hiện các mô hình đã triển khai và trong năm 2024; tham gia thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và địa phương. Tăng cường tuyên truyền thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; đổi mới hoạt động đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện cụ thể. Phấn đấu phát triển, thành lập Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, đồng thời tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ để các Chi, Tổ hội nghề nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả thành Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

Ngày 24/4/2024, Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, quyền Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã về kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Điền Lộc, ông  Nguyễn Tiến Cường đánh giá cao những kết quả đã đạt được của xã Điền Lộc trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời mong muốn thời gian tới, Hội Nông dân xã Điền Lộc nói riêng, Hội Nông dân huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới toàn diện hơn, hướng tới mô hình nông thôn thông minh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác