Hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trồng sả Java
Theo ông Trần Văn Lượng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, xã Tây Phú nằm ở địa hình cao, có nhiều gò đồi, chân đất khô cằn nghèo dinh dưỡng và thiếu nước tưới. Nhiều năm trước đây, phần lớn diện tích này đều được bà con nông dân trồng bạch đàn, mì, sau đó chuyển sang trồng mía và gần đây chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn như bắp, đậu đỗ, dưa hấu, ớt cà, bí bầu. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng không cao do khí hậu thường khô nóng, đất bạc màu và thiếu nước tưới. Để chuyển đổi cây trồng, một số nông dân ở địa phương đã trồng thử nghiệm cây sả chanh. Tuy có thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng, nhưng nhìn chung giá cả thị trường tiêu thụ cây sả chanh ở Tây Phú vẫn chưa ổn định. Thời gian gần đây, cây sả chanh đã gặp nhiều khó khăn do sả không bán được, bởi thương lái mua với giá không ổn định và ít mua. Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện Tây Sơn liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra, tăng thêm thu nhập cho hội viên nông dân ở địa phương.
“Hội Nông dân huyện Tây Sơn đã phối hợp với UBND xã Tây Phú kết nối với HTX Nông Công Thương An Nhơn (Thị xã An Nhơn) - đơn vị làm dịch vụ chế biến tinh dầu sả để xây dựng mô hình liên kết trồng và bao tiêu sả Java” – ông Trần Văn Lượng cho hay.
Bà Lê Thị Nguyệt - Giám đốc HTX Nông Công Thương An Nhơn cho biết : “HTX đang sản xuất tinh dầu sả, nên rất cần nguồn nguyên liệu sả với diện tích trên 100ha mới có thể đủ sản lượng chưng cất tinh dầu. Sau khi đi thực tế tìm hiểu, tham quan, tôi thấy xã Tây Phú có tiềm năng, triển vọng tốt để trồng cây sả giống mới do HTX chúng tôi cung cấp và có thể kết hợp với HTX xây dựng hình thành chuỗi liên kết sản xuất”.
“Sau khi khảo sát vùng nguyên liệu và thống nhất ký kết hợp đồng với bà con, HTX cam kết thu mua bao tiêu sản phẩm cây sả ở Tây Phú. Tuy nhiên, để thay thế cho giống sả chanh mà lâu nay bà con ở xã Tây Phú đã trồng, HTX chúng tôi cung cấp giống sả Java có nguồn gốc từ Indonesia với đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đậm. Đây là giống sả hoàn toàn mới, lần đầu tiên được trồng ở các địa phương trong tỉnh Bình Định dùng làm nguyên liệu để chưng cất và sản xuất tinh dầu” – bà Nguyệt cho hay.
Theo bà Nguyệt, sả Java là giống sả trồng lấy lá, trong điều kiện chăm sóc tốt, sả Java có thể kéo dài thời gian thu hoạch trên 5 năm cho một lần trồng. Lứa đầu, cách 135 ngày (khoảng hơn 4 tháng) cây sả cho thu hoạch lá, từ lứa thứ hai trở đi thì cách 30 ngày thu hoạch lá/ lần”.
Trong khuôn khổ Chương trình phối hợp liên kết, Hội Nông dân huyện Tây Sơn và Hội Nông dân xã Tây Phú đã tổ chức cho 15 hội viên trồng sả đi tham quan nhà máy chế biến tinh dầu sả ở HTX Nông Công Thương An Nhơn. Ở đây, các hội viên được cán bộ kỹ thuật của Nhà máy giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sả Java, ứng dụng vào sản xuất lấy lá chế biến tinh dầu; giới thiệu các thiết bị của nhà máy và phương pháp, công nghệ chế biến tinh dầu sả.
Trong chuỗi liên kết này, đã có 21 hộ tham gia trồng sả Java với tổng diện tích là hơn 4ha. Hộ trồng ít nhất 1 sào, hộ nhiều nhất trồng 30 sào. Người trồng sả Java ở xã Tây Phú ban đầu ở thôn Phú Mỹ, Phú Lâm, sau mở rộng ra thôn Phú Hiệp.
Khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, HTX Nông Công Thương An Nhơn đã hỗ trợ miễn phí cho người tham gia trồng sả Java ở xã Tây Phú tổng số 3,8 tấn giống và 4,1 tấn phân hữu cơ vi sinh. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật của HTX còn xuống tận nơi để tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sả Java.
Các thành viên trong nhóm hộ thực hiện mô hình trồng cây sả Java ở xã Tây Phú đã tích cực làm đất, xuống giống, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cho giống cây trồng mới này. Nhờ thế, cây sả Java đã thích nghi với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt. Vừa qua, HTX Nông Công Thương An Nhơn đã tổ chức thu mua nguyên liệu lá sả Java ở xã Tây Phú (đợt 1).
Ông Trần Chánh Thi, ở xóm 1, thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú cho biết : Được HTX Nông Công Thương An Nhơn hỗ trợ giống, phân bón, gia đình tôi trồng 1 sào sả Java. Sau 4 tháng trồng, nay tôi thu hoạch lứa đầu tiên, năng suất thực tế đạt 930kg lá/ sào. HTX thu mua 2.000 đồng/kg lá sả, sau trừ chi phí, tôi còn lãi 1,3 triệu đồng/ sào.
Theo ông Trần Văn Lành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Phú, với phương thức liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm hai bên đều có lợi, đã tạo nên chuỗi liên kết trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn, giúp bà con nông dân trồng sả giống mới - sả Java lấy lá - ở xã Tây Phú nâng cao thu nhập, có thêm điều kiện phát triển đời sống kinh tế hơn.
Đến nay, HTX Nông Công thương An đã thu mua gần 40 tấn nguyên liệu lá sả từ mô hình kiên kết của Hội Nông dân xã Tây Phú để chế biến tinh dầu. Cây sả Java có thể là một trong những loại cây trồng chủ lực ở địa phương, bởi cây trồng này đem lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, phù hợp với chủ trương của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con nhân dân mở rộng diện tích trồng cây sả Java ” – ông Trần Văn Lành cho biết thêm.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”