Hội đẩy mạnh công tác truyền thông dân số đến cán bộ, hội viên nông dân
Cụ thể tập trung tuyên truyền vào 10 nội dung sau:
1.Tuyên truyền về kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết 21 NQ/TW). Nghị quyết số 13/NQ- CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.
2.Tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội; Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
3. Vận động mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở nơi mức sinh còn cao, sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì kết quả ở nơi đã đạt mức sinh thay thế.
4. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Chú trọng truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
5. Tuyên truyền về các giải pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng: Tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng, qua đó tăng cơ hội việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hoá ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động…
6. Tuyên truyền về các chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT); khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế- xã hội; tích cực, chủ động, xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi nhằm thích ứng với một xã hội già hoá dân số, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Chú trọng nêu gương những cá nhân, gia đình điểm hình trong việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT.
7. Tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu được quyền và nghĩa vụ của người di cư, phát huy các yếu tố tích cực của quá trình di cư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nơi đi và nơi đến, góp phần chăm sóc và nâng cao chất lượng dân số vùng nhập cư.
8.Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như: khám sức khoẻ trước hôn nhân; hiệu qur và tầm quan trọng của tầm soát, chuẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo; cung cấp các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chăm sóc thai nhi tốt để sinh con khoẻ mạnh.
9. Vận động thanh niên thực hiện, tư vấn sức khoẻ trước khi kết hôn, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.
10. Tuyên truyền vận động, tạo phong trào cho người dân thường xuyên luyện thập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao kỹ năng tự chăm sóc và dự phòng rủi ro bệnh tật. Tổ chức các cuộc thi thể dục thể thao quần chúng, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia.
Để công tác tuyên truyền hiệu quả yêu cầu cần chú ý lấy các ngày lễ kỷ niệm về ngày Dân số để tổ chức các sự kiện với chủ đề rõ ràng . Ví dụ như ngày 8/5 truyền thông Hưởng ứng ngày Thalassimia thế giới sẽ có chủ đề “Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì tương lai giống nòi”; Truyền thông Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) và các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2022…
Đối tượng truyền thông là cán bộ, hội viên, nông dân. Tập trung tuyên truyền vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh; vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, phụ nữ và nam giới thuộc nhóm dân di cư, dân tộc thiểu số, người khuyết tật…
Về hình thức truyền thông sẽ được lựa chọn với tình hình thực tế của từng địa phương để tổ chức như mở lớp tập huấn, toạ đàm, đối thoại, hội thi, sinh hoạt chi hội, hay lồng ghép các nội dung dân số và phát triển trong các hội nghị nhằm lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Treo pano, áp phích nhân ngày lễ kỷ niệm; in ấn và phát hành các tài liệu truyền thông đến các cơ sở Hội và hội viên, nông dân…
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban chấp Hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số cho cán bộ, hội viên nông dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện mục tiêu Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước bền vững.
Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, huy động cộng đồng và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng…