Hội hỗ trợ đưa thịt lợn gác bếp Cao Lan vươn xa
Sản phẩm cổ truyền đặc trưng
Là một người con dân tộc Cao Lan, dù đã đi học và có việc làm ổn định trong ngành Du lịch tại Hà Nội, nhưng anh Hoàng Xuân Mau vẫn luôn canh cánh nỗi niềm “khởi nghiệp” để lưu giữ những giá trị truyền thống trong văn hoá ẩm thực của người Cao Lan ở xã Xuân Lương. Năm 2019, Hoàng Xuân Mau đã trở về quê nhà để khôi phục lại món “Thịt lợn gác bếp Cao Lan” theo bí quyết riêng của dân tộc Cao Lan.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Xuân Mau cho biết: Làm việc trong ngành Du lịch được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn ngon, bản địa ở nhiều nơi. Chính vì vậy bản thân luôn mong muốn được giữ gìn những bản sắc văn hoá của dân tộc mình, đặc biệt là món “Thịt lợn gác bếp Cao Lan” mang hương vị truyền thống nhưng đang dần bị thất truyền.
Nhớ lại những ký ức của cha, ông trước đây trong chế biến món “Thịt gác bếp” cùng với những trải nghiệm của bản thân, anh Mau đã tìm tòi và xây dựng bí quyết riêng cho các sản phẩm của mình. Giờ đây từ thịt lợn đen bản địa chất lượng của địa phương kết hợp với 20 loại gia vị truyền thống, năm 2022, anh Mau đã đưa ra thị trường sảm phẩm “Thịt gác bếp Cao Lan” đạt chất lượng OCOP 3 sao.
Nguyên liệu để làm thịt gác bếp Cao Lan đạt chuẩn, phải được chọn lựa kỹ từ những miếng thịt lợn đen bản địa, thớ thịt dai ngọt, đậm đà; cùng với đó là trên 20 gia vị không thể thiếu như: Gừng, tỏi, ớt, hạt dổi, mắc khén…
Theo anh Mau, để cho ra lò sản phẩm “Thịt gác bếp Cao Lan” là một quá trình sản xuất cẩn thận, tỉ mỉ từng công đoạn. Cả con lợn đen chất lượng được nuôi tại vùng miền núi Yên Thế tỉnh Bắc Giang nhưng chỉ lấy được những phần thịt nạc mông và thăn. Thịt lợn sau khi lấy phải bỏ hết gân; tẩm ướp các loại gia vị đặc trưng trong 8 giờ, sau đó đem thịt xiên để trên lửa và than hồng trong 3 ngày. Sau đó lại đem thịt đi rửa sạch và hấp cách thuỷ để tiệt trùng, tiếp đó lại xiên thịt vào rồi treo trên than hồng 1 ngày, khi thấy thịt se lại thì mới đem đi đóng gói, dán tem nhãn mác và bảo quản cẩn thận.
Sản phẩm “Thịt lợn gác bếp Cao Lan” đạt chuẩn phải có các đặc trưng riêng như: Sản phẩm có màu nâu óng, thơm mùi hun khói, dậy mùi hạt dổi, vị cay nồng của hạt mắc khén. Xé từng thớ thịt màu đỏ hồng tươi ngon, chấm với chẳm chéo kèm vài lát ớt cay nồng, cảm nhận mùi đặc trưng của mắc khén, ngai ngái của khói bếp, mềm ngậy của thịt mỡ vị ngọt đậm của thịt nạc thì không gì có thể diễn tả được.
Một điểm khác biệt của sản phẩm “Thịt lợn gác bếp Cao Lan” với các sản phẩm thịt lợn gác bếp ở các vùng miền trên cả nước đó chính là sản phẩm đã được hấp tiệt trùng, chính vì vậy khách hàng không cần phải sơ chế mà sử dụng được ngay, mang đến sự tiện lợi vô cùng cho khách hàng, mọi người có thể đem đi du lịch, sử dụng ở gia đình rất tiện lợi.
OCOP tiếp sức để thương hiệu vươn xa
Ngoài sản phẩm “Thịt lợn gác bếp Cao Lan”, hiện nay, anh Mau đã phát triển thêm 2 sản phẩm đó chính là: Lạp sườn gác bếp Cao Lan và muối Cư Chăp Cao Lan. Đây cũng đều là những sản phẩm mang đặc trưng riêng của người Cao Lan ở Yên Thế.
Chia sẻ về thành công của mình, anh Mau cho biết thêm: Nhờ được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong việc tư vấn, hỗ trợ làm hồ sơ, bao bì nhãn mác, thị trường tiêu thụ… năm 2022, em cùng 8 thành viên khác đã thành lập được Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan; Cùng với đó là sản phẩm Thịt lợn gác bếp Cao Lan đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023 được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang em đang tiếp tục đăng ký và xây dựng sản phẩm OCOP cho Lạp sườn gác bếp Cao Lan và năm 2024 sẽ là sản phẩm muối Cư Chăp Cao Lan.
Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP việc bán hàng cũng được thuận lợi hơn rất nhiều, ngoài kênh bán hàng truyền thống, thì các sản phẩm cũng được tham gia các hội chợ thương mại, trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Hiện nay Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan đang sản xuất khoảng 1 tấn sản phẩm/tháng. Sản phẩm đang được phân phối ở các thị trường như: Bắc Giang, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… đặc biệt các sản phẩm còn được nhiều người Việt ở nước ngoài tin tưởng và ủng hộ.
Tin rằng với những bước đi vững chắc cùng sự giúp đỡ tận tình của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, trong thời gian tới, anh Hoàng Xuân Mau và Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan sẽ có thêm nhiều thành công trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống từ sản phẩm thịt lợn Cao Lan.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi