Hỗ trợ nông dân

Bến Tre:

Hội làm cầu nối giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Tú San - 07:44 08/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong những năm gần đây, vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân, đặc biệt là những hội viên nông dân của tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn khi không thể theo kịp xu hướng mới của thị trường. Đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều hộ nông dân vì không nắm bắt được nhu cầu cũng như thay đổi về phương thức tiêu thụ trong giai đoạn “kỷ nguyên số”.
Ông Nguyễn Văn Bàn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre làm việc với HTX Tân Phú huyện Châu Thành.

Vai trò cầu nối của Hội Nông dân

Để giúp nông dân cũng như hội viên của mình trong vấn đề tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều chương trình liên kết nhằm làm cầu nối giữa nông dân với các hợp tác xã trên địa bàn giúp nông dân có đầu ra ổn định và mang lại giá trị cao cho nông sản.

Ông Nguyễn Văn Bàn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết: “Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tổ chức các chương trình kết nối với hệ thống các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản với các thị trường mang lại giá trị kinh tế cao”.

Theo đó, Hội Nông dân đã kết hợp cùng các hợp tác xã hỗ trợ đăng ký mã vùng trồng cho các hội viên nông dân với 57,8ha bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, 37,5ha sầu riêng, 315ha dừa hữu cơ… Đồng thời cũng khuyến khích hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình OCOP và các mô hình khởi nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 17 mô hình sản phẩm OCOP do Hội hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng được công nhận. Toàn tỉnh có 313 sản phẩm OCOP, hiện có 256 sản phẩm còn thời hạn và 57 sản phẩm hết thời hạn theo thời gian quyết định công nhận. Có 2 hợp tác xã nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (huyện Mỏ Cày Nam) và 1 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp đoàn làm việc của Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu nông sản Bến Tre, qua đó mở ra cơ hội xuất khẩu cho một số sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Anh Nguyễn Thanh Ngọc Nhớ - hội viên nông dân của Ấp Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách).
Ông Nguyễn Văn Hoá - hội viên nông dân của Ấp Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách).

Những giá trị mang lại cho nông dân

Ông Nguyễn Văn Hoá, một hội viên nông dân tại Ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 3 công đất trồng chôm chôm, mỗi vụ thu hoạch đều có thương lái đến thu mua. Tuy nhiên, giá cả thường trồi sụt theo mức áp giá của thương lái nên có những vụ gia đình cũng không còn lợi nhuận khả quan như trước. Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, vườn chôm chôm của gia đình tôi hiện nay đang ký kết tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Vĩnh Bình (HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình) theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật cũng như phân bón, đồng thời cũng bao tiêu sản phẩm đầu ra cuối vụ với giá tiệm cận thị trường”.

Tương tư, anh Nguyễn Thanh Ngọc Nhớ, ngụ cùng ấp Phú Đa cũng chia sẻ: Gia đình anh có 2 công đất trồng sầu riêng, hai năm qua cho thu hoạch rất tốt nhưng phần tiêu thụ vẫn phải qua thương lái đến mua và cũng không được thống nhất về giá thoả thuận từ đầu vụ cho đến lúc thu hoạch. 
“Có khi đầu mùa thương lái họ đặt giá cao để bao vườn, nhưng cuối vụ nếu giá thị trường thấp thì thương lái cũng sẽ giảm giá xuống hoặc… bỏ cọc. Khi đó, gia đình phải tự tìm đầu ra cho nông sản của chính mình” - Anh Ngọc nói.

Trao đổi với ông Lê Đình Hoàn - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre về việc hỗ trợ nông dân từ khâu kỹ thuật, phân bón, chăm sóc vườn cho đến khâu cuối cùng là bao tiêu sản phẩm cho những hộ nông dân liên kết hợp tác cùng Hợp tác xã, ông Hoàn trăn trở: “Để xây dựng một mô hình hợp tác với các hộ nông dân từ khâu ban đầu cho đến cuối thì Hợp tác xã đã thực hiện nghiên cứu thị trường cẩn thận cũng như nghiên cứu về khách hàng trong thị trường đó xem nhu cầu của thị trường sẽ tiêu thụ loại nông sản gì và khách hàng ưa thích những sản phẩm hàng nông sản gì để có thể chủ động nguồn cung. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cũng như phân bón, và quy trình chăm sóc vườn, hỗ trợ cấp các chứng chỉ vùng trồng cho nông dân nếu nông sản được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, luôn đảm bảo rằng nguồn hàng của Hợp tác xã đã chọn đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và uy tín của Hợp tác xã trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Đây cũng là những thách thức của Hợp tác xã trong quá trình tiếp cận và tuyên truyền cho các hộ nông dân về tiêu thụ nông sản của mình trong thời đại công nghệ mới”.

Có thể nói, việc giữ vai trò là cầu nối của Hội Nông dân các cấp là xu hướng cần thiết giúp cho hội viên, nông dân nâng cao thành quả lao động của mình, đồng thời cũng liên kết hệ thống Hợp tác xã tại địa phương hình thành nên một quy trình khép kín từ khâu trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm là một mô hình đáng được nhân rộng đối với những vùng nguyên liệu nông sản có giá trị xuất khẩu cao. 

“Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các  cấp Hội tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tổ chức các chương trình kết nối với hệ thống các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản với các thị trường mang lại giá trị kinh tế cao”. 
Ông Nguyễn Văn Bàn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác