Hỗ trợ nông dân

Hội Nông dân Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân trồng ổi hữu cơ

Bách Dương - 07:04 12/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, chất lượng nên việc xây dựng mô hình thí điểm nông nghiệp hữu cơ để tuyên truyền, nhân rộng trong hội viên nông dân đang là đích hướng đến của Hội Nông dân các cấp ở Hà Tĩnh.
Chương trình ký kết trồng ổi hữu cơ đầu tiên trên địa bàn.

Các mô hình được canh tác theo quy trình WAO nông nghiệp thuận thiên

Sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay của hầu hết nông dân đều có sử dụng đến các sản phẩm hóa học như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích tăng trưởng… Chính điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, đặc biệt là đất đai và nguồn nước. Để khắc phục lối sản xuất “cố hữu” lâu nay của bà con trên địa bàn, Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện cùng với đơn vị tư vấn kỹ thuật Công ty TNHH Công nghệ sinh học Wao (Hà Tĩnh) triển khai nhiều mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh…

Thực chất của mô hình sản xuất hữu cơ trong nông nghiệp là hạn chế, tránh hoặc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm có chứa hóa chất vào trong sản xuất. Quá trình sản xuất và canh tác nông dân chủ yếu dựa vào việc quay vòng mùa vụ kết hợp với các chế phẩm, tận dụng chất thải nông nghiệp để tái sử dụng. Chính tái sử dụng các phế phẩm trong nông nghiệp mang lại lợi ích nhân đôi vừa bảo vệ, tránh ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm, hạn chế được kinh phí mua vật tư trong sản xuất.

Ngay từ tháng 1 đến đầu tháng 4/2022, Trung tâm đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc xây dựng mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo hướng hữu cơ với các đơn vị huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang… Riêng ở Vũ Quang, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh và Công ty TNHH Công nghệ sinh học WAO (Hà Tĩnh) đã phối hợp với Hội Nông dân huyện triển khai xây dựng 5 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầu tiên trên địa bàn.

Trong đó 2 mô hình trồng mới ổi lê Đài Loan với 3.800m2 cho 225 gốc. Được triển khai tại hộ gia đình ông Nguyễn Quảng An ở thôn 7 xã Thọ Điền trên nền diện tích 2.600m2 với 135 gốc và hộ gia đình ông Nguyễn Đình Ninh thôn Đồng Minh, xã Hương Minh với 1.200m2; 1 mô hình trồng mới Cam CS1 chín sớm tại hộ ông Nguyễn Văn Dực thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh với 160 gốc trên tổng diện tích 3.200m2; 2 mô hình chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ với tổng diện tích gần 9.000m2 trồng bưởi da xanh.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quảng An, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000m2 với 100 gốc ổi lê Đài Loan hết khoảng 18 triệu đồng, bao gồm tiền mua cây giống, phân bón vi sinh, dọn dẹp, làm đất và chế phẩm phòng trừ sâu bệnh, bao bọc ổi…. Kỹ thuật lên luống, đào rãnh thoát nước, làm hố được gia đình ông làm cẩn thận. Trước khi xuống giống, ủ phân bò khô với men vi sinh trước 2 tháng để phân hoai mục. Sau đó sử dụng các loại chế phẩm xử lý đất, trồng xen các loại cỏ, kết hợp tấp ủ gốc tạo độ ẩm và mùn hữu cơ cải tạo đất. Để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, chỉ dùng các phương pháp sinh học, với phương châm phòng là chính, sử dụng các loại thuốc sinh học, biện pháp kết hợp chăm sóc đất và bảo vệ rễ. Vừa kích thích hệ rễ phát triển mạnh, bảo vệ rễ và giúp nền đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

Các mô hình được canh tác theo quy trình WAO nông nghiệp thuận thiên - quy trình canh tác dựa theo quy luật của tự nhiên. Từ khâu trồng cho đến chăm sóc chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, trồng xen canh các loại cây bổ sung sinh khối hữu cơ, sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu bệnh hại. Canh tác theo mô hình này nhằm mang đến những sản phẩm an toàn và chất lượng đến tay người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ tối đa môi trường sống tự nhiên.

 Sản xuất hữu cơ sẽ là hướng đi được nhân rộng trong thời gian tới trên địa bàn Hà Tĩnh.

Sát cánh cùng bà con nông dân 

Với đích hướng đến giúp bà con nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, tuân thủ theo một quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế vườn hộ, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào các tiêu chí của Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình để hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa thông qua các đề án, mô hình. Tạo cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của tổ chức Hội Nông dân, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, bảo đảm được tính ổn định và bền vững của mô hình, tiến tới xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm mới, chủ lực, phù hợp từng địa phương. 

Ngay từ đầu thực hiện chương trình thí điểm, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Hà Tĩnh đã lựa chọn giống ổi lê Đài Loan bởi đây là loại giống không kén đất, dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất lợi; cây sai quả và cho thu hoạch quanh năm. Trên thị trường, ổi hữu cơ có giá trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu hoạch 3-4 đợt.

“Việc phối hợp này trên cơ sở hướng dẫn các thủ tục vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cung ứng các vật tư đầu vào như: Giống cây, thuốc phòng trừ sâu bệnh, phân bón, vật tư nông nghiệp để xây dựng các mô hình theo hướng hữu cơ. Sau khi có thành quả, trung tâm cũng sẽ là nơi có trách nhiệm đồng hành với các hộ dân trong việc kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tiến Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Hà Tĩnh chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác