Hỗ trợ nông dân

Hội ND huyện Đồng Văn hỗ trợ hội viên làm kinh tế bằng “cho vay trâu bò sinh sản”

Hoàng Tính - 07:13 25/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xác định khó khăn của hội viên nông dân trên địa bàn là thiếu tư liệu sản xuất, những năm qua Hội Nông dân huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ hội viên nông dân có được tư liệu sản xuất phù hợp, một trong số đó chính là từ “Dự án trao trâu, bò sinh sản luân chuyển”.
Tháng 3/2022, Hội ND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) tổ chức giải ngân cho 12 hộ gia đìnhvay vốn. Sau 30 ngày nhận vốn các hộ phải mua được 1 con bò (bê) cái sinh sản, nếu không sẽ bị thu hồi và trao cho hộ khác.

Luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân thoát nghèo

Để hội viên nông dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Hà Giang luôn xác định phải trao cho hội viên “cần câu”, hạn chế “cho không” và khuyến khích “cho vay” để bà con nhận thức được rằng chính bản thân họ phải tự thay đổi cuộc sống của mình.

Ông Hoàng Minh Đức - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn cho biết: Với phương châm thực hiện “Trao cần câu hơn trao con cá”, từ năm 2015 đến nay Hội Nông dân huyện Đồng Văn đã tích cực triển khai thực hiện “Dự án trao trâu, bò sinh sản luân chuyển” cho hội viên nông dân. Đến nay đã triển khai được 3 lần (vào các năm 2015; 2019 và 2022). Dự án được triển khai đã góp phần giúp các hộ có kinh tế ổn định, bền vững, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Trước khi trao tiền cho các hộ mua bò, Hội Nông dân huyện Đồng Văn cùng với Ban quản lý Dự án, Hội Nông dân các xã được thụ hưởng Dự án sẽ cùng các hội viên nông dân bàn bạc, bình chọn, thống nhất lựa chọn các hộ đủ điều kiện tham gia Dự án.
Sau khi được lựa chọn tham gia vào Dự án trao trâu, bò sinh sản, các hộ gia đình còn được Hội Nông dân tập huấn khoa học kỹ thuật về cách phòng chống dịch bệnh, phát triển trồng thêm cỏ để chăn nuôi, cách phòng chống rét về mùa đông, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng bò nái sinh sản, chửa đẻ và nuôi con…

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ “cứng” của Hội Nông dân trong Dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, tuỳ theo điều kiện thực tế mà các hộ gia đình khi tham gia Dự án có thể bổ sung thêm nguồn vốn của gia đình để mua được con bò cái giống lớn hơn, qua đó sẽ góp phần đạt hiệu quả hơn trong chăn nuôi.

Từ đó các hội viên nông dân đã chủ động xây dựng chuồng trại theo đúng hướng dẫn, chăm sóc và phát triển đàn bò đúng theo yêu cầu. Qua đó, các hộ gia đình đều có hiệu quả kinh tế khá khi chăn nuôi bò theo Dự án.

Ông Lý Mi Tro - hộ nuôi bò thôn Đoàn Kết (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) chia sẻ: "Tháng 2/2019 gia đình tôi được Hội Nông dân huyện Đồng Văn lựa chọn trao bò theo Dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển. Từ khi được lựa chọn vào Dự án, gia đình tôi đã chủ động trồng thêm cỏ voi để đáp ứng cho chăn nuôi, bởi ở Sủng Là vào mùa Đông rất lạnh, thiếu cỏ, thiếu thức ăn chăn nuôi... Chính vì vậy mà khi nhận bò về chăn nuôi, con bò nhà tôi phát triển rất tốt, đến nay bò đã sinh được 1 con bê con và hiện nay bò cái cũng đang mang thai".

Ngoài việc hỗ trợ về vốn, việc hỗ trợ kỹ thuật đã giúp các hộ nông dân chủ động phòng chống rét cho đàn bò vào đầu năm 2022.

Đã có 12 hộ thoát nhờ Dự án

Bà Nguyễn Thị Thuý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Tiếp tục triển khai Dự án trao trâu, bò sinh sản luân chuyển, tháng 3/2022 Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã trao số tiền 120 triệu đồng cho 12 hộ gia đình ở huyện Đồng Văn, mỗi hộ được vay 10 triệu đồng. Tính từ ngày giải ngân, sau 30 ngày các hộ thực hiện phải mua được bò cái để sinh sản, nếu không thực hiện đúng sẽ thu hồi trước thời hạn và chuyển cho hộ khác vay.

Kết thúc 36 tháng triển khai Dự án (tính từ ngày giải ngân) các hộ sẽ chuyển 10.000.000 triệu đồng được vay cho các hộ khác để tiếp tục phát triển Dự án, đầu tư mua bò sinh sản phát triển kinh tế. Trong quá trình triển khai Dự án Trao trâu bò sinh sản luân chuyển khi bò bị bệnh, các hộ gia đình phải báo cáo với Tổ trưởng, Ban quản lý dự án, cán bộ thú y và Hội Nông dân để chữa trị kịp thời.

Bà Giàng Thị Máy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sủng Là (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho hay: Với chủ trương phát triển kinh tế là "trao cần câu" cho hội viên nông dân để phát triển kinh tế, năm 2015 bà con nông dân xã Sủng Là đã được nhận tổng số 16 con bò cái giống, đến nay bò đã sinh sản được 20 con bê. Cũng chính từ Dự án mà 12 hộ thoát nghèo, đến nay đã có 15 hộ đã luân chuyển bò cho các hộ khác. Giờ đây chăn nuôi bò đã mở ra hướng đi thoát nghèo bền vững cho bà con nông dân trong xã Sủng Là.

Các hộ gia đình được vay vốn sau khi hoàn thành Dự án cho vay nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển ở huyện Đồng Văn đều rất phấn khởi. Họ có niềm vui chung bởi giờ đây họ đã có nhiều kinh nghiệm thực tế trong quá trình chăn nuôi, có vốn, có tư liệu sản xuất (là những con bò, con bê)… Dự án đã giúp tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập và từng bước giúp hội viên nông dân thoát nghèo.

Dự án cho vay vốn để chăn nuôi trâu bò sinh sản luân chuyển của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang thời gian qua với những chính sách luân chuyển cũng như được hưởng thụ bê con mà kinh tế của những hộ gia đình được nhận cũng đã khá lên nhiều. Vì trước đây kinh tế của các hộ gia đình chỉ dựa vào hạt thóc, hạt ngô mới đáp ứng được “tự cung, tự cấp”. Nay mỗi năm từ nuôi bò sinh sản lại có thêm 1 con bê giá trị cũng được trên 10 triệu đồng, đây là nguồn kinh tế khá lớn của các hộ nghèo nơi đây.

Luôn luôn sẵn sàng có mặt kịp thời ở khắp các địa phương, đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn, thời gian qua Hội Nông dân huyện Đồng Văn nói riêng và Hội Nông dân tỉnh Hà Giang nói chung đã luôn cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tìm hướng thoát nghèo cho ngày càng nhiều hội viên nông dân trên địa bàn. 

“Việc hỗ trợ bà con vay vốn để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển là một trong số rất nhiều Dự án của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Để triển khai các Dự án có hiệu quả, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hà Giang luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xác định rõ việc nuôi con gì, trồng cây gì phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu cũng như tập quán canh tác của bà con. Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững”.
Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác