Xã hội

Hội ND Thanh Hóa chú trọng bảo vệ môi trường ven biển

13:21 18/10/2021 GMT+7

Thời gian qua, các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng đã được Hội ND các cấp tỉnh Thanh Hóa chung tay thực hiện, từng bước tạo chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ môi trường ven biển xanh – sạch – đẹp.

Đẩy mạnh các hoạt động giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc, mỗi ngày, 6 xã ven biển của huyện (Hòa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc và Đa Lộc) phát sinh trên 33 tấn rác, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng rác thải toàn huyện.

Hiện nay, một trong những khó khăn trong công tác vệ sinh môi trường tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc là lượng rác thải từ ngoài biển trôi dạt vào bờ lớn, đặc biệt trong mùa mưa bão. Trước tình trạng trên, huyện đã kêu gọi xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển và phân loại rác thải; huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, tham gia vào công tác vệ sinh môi trường. Do vậy, các hoạt động giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển nói chung, vùng ven biển nói riêng, được các địa phương chú trọng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Tại nhiều địa phương ven biển của huyện Hậu Lộc hiện vẫn đang bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, một số nơi khó khăn trong việc bố trí đất làm bãi rác, nơi có thì chật hẹp, rác không được chôn lấp và xử lý… Nhiều hộ gia đình sống ven biển không có các công trình vệ sinh, chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra biển. Tại các khu, điểm du lịch biển, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh quan tâm thực hiện thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… Hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển… Hơn nữa, ý thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển, ven biển của du khách chưa cao, luôn xảy ra tình trạng vứt rác, vứt thức ăn, đồ uống thừa bừa bãi trên các bãi tắm.

Các hộ dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc) nhận hỗ trợ thùng chứa rác thải và chế phẩm sinh học. 

Trước những bất cập đó, Hội ND Thanh Hóa tổ chức hội nghị tập huấn và bàn giao thiết bị, vật tư… xây dựng mô hình điểm “Hội ND thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại cộng đồng dân cư ven biển” tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Đây là mô hình điểm nằm trong Dự án của T.Ư Hội NDVN về “Nâng cao trách nhiệm của nông dân, ngư dân tham gia bảo vệ môi trường vùng biển Việt Nam năm 2021”. Đến nay, tại các địa phương ven biển, cơ bản lượng rác phát sinh đã được thu gom, xử lý, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Hỗ trợ hội viên nông dân, ngư dân bảo vệ môi trường vùng biển

Xã Đa Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, đời sống người dân có nhiều đổi thay tích cực, tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường cần được đầu tư để phát triển về chiều sâu như việc phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình để giảm tải cho việc vận chuyển cũng như các bãi chứa rác tập trung. Nhằm nâng cao chất lượng về các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương ven biển, nhất là thực hiện phân loại, và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, thông qua công tác khảo sát, nắm tình hình, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ để địa phương xây dựng mô hình để hướng dẫn, tuyên truyền nhân dân tận dụng rác thải hữu cơ xử lý thành phân bón.

Tham gia mô hình, 90 hộ dân tại xã Đa Lộc được Hội ND Thanh Hóa hỗ trợ 180 thùng chứa rác thải loại 60 lít, cùng chế phẩm sinh học. Đồng thời, người tham gia cũng được tập huấn, hướng dẫn cách thu gom phân tách rác thải tại hộ gia đình.

Theo đó, rác thải của các hộ dân được phân thành 2 loại là rác hữu cơ và rác vô cơ, mỗi loại rác thải sẽ được chứa trong 1 thùng riêng biệt. Các hộ gia đình tham gia mô hình sẽ được xây dựng bể dùng để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón. Cứ 3 hộ sẽ được xây dựng 1 bể chứa có thể tích khoảng 1,5m3, chia làm 3 ngăn.

Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại sẽ cho vào bể ủ, dùng chế phẩm sinh học trộn đều với tỷ lệ nhất định, nén chặt, đậy nắp kín. Sau thời gian 20 ngày, các vi khuẩn có lợi sẽ lên men phân hủy rác mùn, mục có thể sử dụng làm chất hữu cơ bón cho cây trồng.

Ưu điểm vượt trội của hình thức xử lý rác thải này là giảm đáng kể nguồn rác tổng hợp (mỗi kg rác thải có trung bình 65% là rác hữu cơ). Qua đó, việc thực hiện mô hình cũng giảm bớt áp lực cho công tác vận chuyển. Hơn nữa, công nghệ xử lý rác thải phổ biến ở nước ta hiện nay là chôn lấp, do đó việc phân loại này cũng giảm đi 2/3 khối lượng rác chôn lấp mỗi ngày, giảm tải đáng kể cho các bãi rác tập trung.

Phương pháp phân tác và xử lý rác thải hữu cơ này đang được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng. Ưu điểm vượt trội của hình thức xử lý rác thải này là giảm đáng kể nguồn rác tổng hợp (mỗi kg rác thải có trung bình 65% là rác hữu cơ), qua đó cũng giảm bớt áp lực cho công tác vận chuyển. Hơn nữa, công nghệ xử lý rác thải phổ biển ở nước ta hiện nay là chôn lấp, vì vậy việc phân loại này cũng giảm đi 2/3 khối lượng rác chôn lấp mỗi ngày, giảm tải đáng kể cho các bãi rác tập trung. Một ưu điểm nữa là rác vô cơ sau khi được phân tách khỏi rác hữu cơ có thể sử dụng tái chế thuận lợi hơn rất nhiều so với rác hỗn hợp. Nguồn rác hữu cơ sau khi được ngâm ủ sẽ sử dụng làm phân bón cho cây trồng, được ví như nguồn tài nguyên giúp cải tạo đất rất tốt…

Cán bộ Hội ND Thanh Hoá tập huấn cho hội viên thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại cộng đồng dân cư ven biển tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Đây là đợt thứ 2 Hội ND Thanh Hóa tổ chức tập huấn và cấp phát vật tư, thiết bị cho các hộ dân tại mô hình điểm xã Đa Lộc. Trước đó, trong đợt 1 đã có trên 40 hộ tham gia.

Theo kế hoạch, trong năm 2021, Hội ND Thanh Hóa sẽ thực hiện 3 mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, xây dựng 10 tổ tự quản nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới về “bảo tồn đa dạng sinh học”…

Bài, ảnh: Tuấn Anh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác