Công tác Hội

Công tác Hội và phong trào nông dân Cụm thi đua số 5 đạt được nhiều kết quả quan trọng

Tú San - 15:25 05/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng ngày 5/7/2024 tại tỉnh Bến Tre, Hội Nông dân 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thuộc Cụm thi đua số 5 Hội Nông dân Việt Nam đã diễn ra Hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2024. Ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 5; bà Hồ Thị Hoàng Yến – Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre. Cùng dự hội nghị có ông Bùi Văn Bia - Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bến Tre và lãnh đạo Hội Nông dân của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Cụm thi đua số 5 phát biểu tại hội nghị - Ảnh TS

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) nhận định, năm 2023, kinh tế - xã hội toàn cụm Tây Nam Bộ có bước tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các tỉnh, thành phố đạt 6,70%, cao hơn bình quân chung cả nước (5,05%), trong đó một số tỉnh có mức tăng trưởng cao như Hậu Giang (12,27%), Trà Vinh (8,27%), Cà Mau (7,78%), An Giang (7,34%). Các phong trào thi đua do Trung ương phát động được các tỉnh, thành phố trong Cụm tích cực hưởng ứng tham gia đạt kết quả tốt, điển hình như Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay 3 tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang và thành phố Cần Thơ đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao đạt cao như Cần Thơ (86,11%), An Giang (44,73%), Bạc Liêu (42,86%), Tiền Giang (38,73%).

Tuy nhiên, hiện nay vùng Tây Nam Bộ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn; sự suy giảm về số lượng và chất lượng nguồn nước; tình trạng di cư cao, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…Cùng với sự phát triển chung của cả vùng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội và cấp ủy các cấp, sự quan tâm phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền và các ngành ở địa phương, công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong Cụm năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội Nông dân các cấp trong Cụm tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Hội đến với hội viên, nông dân”.

Tập trung thảo luận 5 nội dung công tác Hội

Phát biểu tại hội nghị giao ban Cụm, ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân của các tỉnh, thành phố trong Cụm thời gian qua vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định. Hội nghị giao ban Cụm lần này sẽ đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2024, phát hiện nhân rộng những mô hình, những kinh nghiệm hay, những cách làm đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, động viên, cổ vũ hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh hoạt động hiệu quả.

Tại đây, ông Lương Quốc Đoàn đã đề nghị lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh trong Cụm thi đua số 5 nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tích cực tham gia thảo luận đóng góp ý kiến, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua năm 2024, trong đó, các cấp Hội khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tập trung vào 5 nhóm nội dung trọng tâm:

Trước hết là quán triệt, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ; Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam; Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 Chính phủ. Trong đó, nêu rõ kết quả công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, làm rõ những kết quả nổi bật, những cách làm mới, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả, những mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2024.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua do Hội phát động, trọng tâm là Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; tổ chức Phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”; các hoạt động tập hợp, đoàn kết thu hút nông dân tham gia tổ chức Hội thông qua các mô hình Câu lạc bộ của nông dân như Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú), Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông, Câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường…

Thứ tư, tiếp tục công tác tổ chức triển khai ứng dụng nền tảng số Nông dân Việt Nam; phổ biến, hướng dẫn hội viên nông dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng app "Nông dân Việt Nam".

Thứ năm, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua năm 2024.

Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Quyền Bí thư tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội nghị - Ảnh TS

Phát biểu tại Hội nghị, bà Hồ Thị Hoàng Yến - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre khẳng định: “Trong suốt quá trình 94 năm xây dựng và phát triển, giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, thực hiện tốt vai trò là lực lượng trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân; vận động, tuyên truyền, giúp cho nông dân hiểu, đồng thuận thực hiện, góp phần quan trọng đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ, đời sống của nông dân được cải thiện về mọi mặt.

Tại Bến Tre, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để Hội Nông dân tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Công tác tổ chức, cán bộ Hội Nông dân các cấp được quan tâm củng cố, kiện toàn theo hướng chuẩn, chất ngày càng nâng lên, từng bước trẻ hóa. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, cần cù, tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động của Hội và phong trào nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng phát triển”.

Quán triệt các nghị quyết của Hội đến các địa phương trong Cụm

Trong báo cáo đánh giá về hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Hội Nông dân 13 tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua số 5 đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tình hình thực tiễn các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong 6 tháng đầu năm 2024.

Cụm thi đua số 5 Hội Nông dân Việt Nam có 13 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh TS

Các cấp Hội trong Cụm đã kịp thời, chủ động tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Trung ương Hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu rộng đến các cấp Hội việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị “Về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”; Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” và Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp, tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn công tác Hội, phong trào nông dân của từng địa phương.

Công tác tổ chức xây dựng Hội không ngừng được củng cố, kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thực chất, hiệu quả. Đổi mới sinh hoạt Hội được gắn với nhu cầu sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân. Các cấp Hội đã chú trọng đa dạng hóa hình thức tập hợp, phát triển hội viên mới, thực hiện thành lập UBKT cấp tỉnh và cấp huyện theo đúng Điều lệ Hội khóa VIII và Hướng dẫn số 12-HD/HNDTW ngày 04/3/2024 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN.

Các cấp Hội tại các địa phương trong Cụm đã tổ chức phát động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia  phong trào thi đua của Hội. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” ngày càng có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Đã có nhiều mô hình kinh tế tập thể, THT, HTX, các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, giúp hội viên nông dân nâng cao thu nhập.

Đặc biệt, trong Cụm đã xuất hiện nhiều mô hình “Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú” hình thành từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giúp thu hút, tập hợp những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, có thu nhập cao tham gia, tạo sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác, liên kết, thi đua sản xuất, kinh doanh. Đây thực sự là mô hình có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của hội viên, nông dân, giúp dẫn dắt các HTX, THT nông nghiệp và Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (NDSXKD) phát triển.

Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, phối hợp với các Ngân hàng hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... tiếp tục được các cấp Hội triển khai có hiệu quả. Cán bộ, hội viên, nông dân tích cựctham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của các cấp Hội trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Giúp nông dân làm giàu chính đáng

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tại hội nghị, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tham gia phát biểu bổ sung làm rõ thêm các khía cạnh của báo cáo công tác Hội trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ông Đỗ Trần Thịnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai cho vay từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương đối với 6 dự án, nguồn vốn quỹ HTND cấp tỉnh đối với 16 dự án; phối hợp Ngân hàng CSXH thực hiện ủy thác cho vay qua Hội đạt 1.835.303 triệu đồng thông qua 1.019 tổ TK&VV. Phối hợp với 3 Công ty thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, giải pháp cung ứng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 05 huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành, Giồng Riềng. Phối hợp thực hiện “Chương trình khuyến khích nông dân sử dụng năng lượng xanh” giúp người nông dân tiếp cận với nguồn năng lượng xanh, tiết kiệm chi phí đáp ứng với điều kiện sinh hoạt gia đình và sản xuất”.

Ông Đỗ Trần Thịnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại Hội nghị - Ảnh TS

Cũng tại sự kiện này, ông Lê Phước Dũng - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết: “Hội ND tỉnh đã lập kế hoạch tuyên truyền, vận động 131.000 hộ nông dân đăng ký NDSXKD giỏi các cấp; tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ năng xây dựng và lập kế hoạch kinh doanh cho nông dân khởi nghiệp đối với 280 học viên, 39 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, 4 lớp kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, chuyển đổi số cho 2.041 hội viên nông dân; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 291 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới cho 12.676 lượt hội viên, nông dân; cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân; thẩm định, giải ngân 112 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với tổng số vốn là 25,553 tỷ đồng cho 828 hộ vay, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động... giúp nông dân đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân”.

Ông Lê Phước Dũng - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị - Ảnh TS

Báo cáo về công tác Hội tại địa phương mình, ông Nguyễn Vũ Phương - Chủ tịch Hội ND thành phố Cần Thơ cho biết: “Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích 48.000 ha. Ngoài ra, HND thành phố cũng vận động Nông dân SXKD giỏi tham gia “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú”; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới 5 hợp tác xã, 46 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, 29 chi hội Nông dân nghề nghiệp, 45 tổ hội Nông dân nghề nghiệp; hỗ trợ 1.626 nông dân đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử”./.

Trước đó, chiều ngày 4/7/2024, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Tú Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cùng lãnh đạo Hội Nông dân 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan các mô hình kinh tế của hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Chợ Lách. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2024 của Cụm thi đua số 5.

Đoàn đã đi tham quan mô hình cơ sở cây cảnh - bonsai Minh Thành (xã Vĩnh Thành), cơ sở cây giống Chín Dũng (xã Long Thới), Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (xã Hòa Nghĩa). Đây là 3 hộ có mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của huyện Chợ Lách. Tại buổi tham quan, các đại biểu đã thảo luận, ghi nhận những cách làm hay, sáng tạo của nông dân Bến Tre trong việc sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế nông nghiệp; đồng thời, được nghe chia sẻ kinh nghiệm những đặc tính về cây giống, kỹ thuật chăm sóc và chọn lọc phân bón, đặc biệt là nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường, từ đó làm cơ sở để tuyên truyền cho hội viên nông dân về quy trình thực hiện và ứng dụng vào trồng trọt, kinh doanh của gia đình hội viên, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác