Hội nỗ lực, kết nối tiêu thụ nông sản trong dịch bệnh
Vài tháng trở lại đây, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương bị đình trệ khiến cho việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản gặp nhiều khó khăn. Để góp phần tiêu thụ nông sản đến, các cấp Hội Nông dân trên cả nước đã tích cực vào cuộc, với nhiều phương án đa dạng như viết thư ngỏ để giới thiệu, bán hàng trực tiếp, hỗ trợ bán hàng điện tử …
Sớm chủ động vào cuộc
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nông dân trên cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn và đang thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết đầu ra cho nông sản, nếu không sớm được giải quyết sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống.
Nhằm triển khai nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản cũng như hỗ trợ nông dân làm quen với các phương thức giới thiệu, quảng bá, bán hàng phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh; tạo mạng lưới đại lý kết nối tiêu thụ nông sản quy mô rộng khắp cả nước, Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố đã chủ động vào cuộc.
Tháng 6/2021 tại Bắc Giang chưa bao giờ cái nóng của mùa Hè lại căng thẳng đến như vậy, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. Cũng đúng vào thời điểm này vùng nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang là vải thiều với diện tích 28.000ha cũng đang bắt đầu cho thu hoạch.
Ở các huyện chủ lực của vải thiều là Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn… đều có người dương tính với Covid-19. Vì vậy các địa phương đều chuyển từ trạng thái phòng dịch sang chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy việc thu hoạch, vận chuyển, bán hàng… của vải thiều gặp muôn vàn khó khăn, hàng nghìn hộ dân trồng vải thiều trên địa bàn đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở, ngay từ khi vải thiều còn chưa bắt đầu đến vụ thu hoạch, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch, phương án để hỗ trợ người dân như: Triển khai “Thư ngỏ” để gửi tới T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để được cùng hỗ trợ tiêu thụ; Phối hợp với Bưu điện tỉnh Bắc Giang để giúp bà con tiêu thụ nông sản như: Kết nối thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng kênh phân phối mới, hỗ trợ vận chuyển…
Sau khi nhận được thông tin từ Bắc Giang, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam đều chủ động liên hệ với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang để có kế hoạch tiêu thụ vải thiều. Việc tiêu thụ vải thiều được triển khai đồng bộ; từ người dân, chủ vườn vải thiều đến Hội Nông dân xã, Hội Nông dân huyện, tỉnh rồi chuyển hàng đến tận nơi mà Hội Nông dân các địa phương có nhu cầu. Việc thu hái, vận chuyển, bán hàng luôn được đảm bảo từ chất lượng sản phẩm đến phòng chống dịch hiệu quả.
Việc chủ động, sớm vào cuộc ngay từ đầu của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong vụ vải 2021, đã góp phần giúp vải thiều Bắc Giang được đưa đi tiêu thụ rộng khắp cả nước từ Bắc vào Nam, đóng góp không nhỏ vào việc tiêu thụ 215.852 tấn vải thiều và tổng doanh thu từ vải thiều cùng các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỉ đồng.
Tiêu thụ tốt tại chỗ
Đến thời điểm tháng 8/2021 khi mà tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, vấn đề đi lại, vận chuyển hàng hoá lại càng khó khăn hơn. Vì vậy mà Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn La niên vụ 2021”. Chương trình được thực hiện qua đó các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức và doanh nghiệp… trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La sẽ đăng ký và mua ủng hộ sản phẩm nhãn.
Ông Lường Trung Hiếu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Ảnh hưởng Covid-19, nhiều chuỗi liên kết nông sản của tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng, đứt gãy. Vì vậy chúng tôi xác định việc tiêu thụ tại chỗ là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ bà con trồng nhãn. Ngay sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các đơn vị. Trong ngày đầu tiên tổng số lượng đăng ký đã đạt trên 150 tấn, không những vậy giá bán còn được cao hơn 20% so với trên thị trường.
Cũng như Sơn La, việc tiêu thụ tại chỗ cũng được triển khai rất có hiệu quả tại tỉnh Ninh Bình, theo ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Với hệ thống 20 cửa hàng nông sản, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tiêu thụ trên 100 tấn nông sản. Không chỉ có nông sản của bà con tỉnh Ninh Bình mà nông sản nhiều địa phương khác như Sơn La, Sóc Trăng, Hà Giang… cũng đã được giới thiệu và tiêu thụ rất thuận lợi tại địa phương. Người dân trong tỉnh vừa được thưởng thức những sản phẩm chất lượng mà lại không phải vất vả đi xa nên rất phấn khởi.
Phong cách bán hàng mới
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến cho người dân trồng nhãn Hưng Yên, với đặc sản “nhãn tiến vua” cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì vậy Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã chủ động vào cuộc và cùng nông dân có cách bán hàng hoàn toàn mới đó là bán hàng trên nền tảng môi trường số.
Ông Vũ Văn Kiên – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên cho biết: Nhằm giúp người dân tiêu thụ nhãn lồng. Bên cạnh việc bán hàng truyền thống, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Postmart, Voso.vn… để hỗ trợ người dân trồng nhãn đưa sản phẩm “nhãn tiến vua” tới khách hàng một cách thuận tiện nhất trong mùa dịch.
Ông Bùi Xuân Tám – Giám đốc HTX Sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (1 trong 2 HTX được Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên hỗ trợ tiêu thụ nhãn niên vụ 2021) chia sẻ: Sau khi được các đơn vị hướng dẫn bán hàng bằng phương pháp “Livestream” chúng tôi đã mạnh dạn triển khai, công việc không có gì là khó khăn. Thông qua sàn thương mại điện tử Voso.vn và Zalo, Facebook, HTX Sản xuất nhãn lồng Nễ Châu chúng tôi đã có hàng nghìn đơn hàng trên khắp cả nước, cả chục tấn nhãn đã được tiêu thụ thuận lợi.
Chương trình bán hàng trên nền tảng kỹ thuật số ở Hưng Yên thành công, người tiêu dùng yên tâm đặt hàng bởi họ được tận mắt chứng kiến người nông dân thực hiện quy trình làm ra những nông sản tươi ngon. Qua đó đã giúp nông dân có thêm kỹ năng mới, mở rộng kênh bán hàng và chủ động theo xu thế của xã hội.
Giờ đây khi dịch Covid-19 vẫn còn đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nông dân vẫn chưa thể tự mình tìm được hướng giải quyết cho nông sản khi đến mùa thu hoạch, chính vì vậy các cấp Hội Nông dân trên cả nước cũng cần thường xuyên nắm bắt tình hình ở điạ phương, sẵn sàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, coi việc giới thiệu và tiêu thụ nông sản là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt.
Bài, ảnh: Hoàng Tính