Hội Nông dân Bắc Giang phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp
Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp
Để có cơ chế, chính sách cho các cấp Hội Nông dân trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt 04 Đề án, đó là: Đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Phát triển vùng Ba kích tím hàng hóa tại huyện Sơn Động giai đoạn 2022 - 2026”; Đề án “Xây dựng tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025”.
Cùng với đó, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành 02 Nghị quyết, 01 Đề án đó là: Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên tuyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh giai đoạn 2019 - 2023”; Nghị quyết về “Nâng cao vai trò của HND các cấp trong tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân giai đoạn 2020 - 2023”; Đề án “Xây dựng điểm mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, giai đoạn 2020 - 2022.
Đẩy mạnh công tác truyên truyền triển khai thực hiện
Để tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong triển khai thực hiện các đề án, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các đề án bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Điểm mới trong công tác này là Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện đã tham mưu cho cấp uỷ tổ chức hội nghị triển khai đến cấp uỷ, chính quyền các cấp, sau mỗi hội nghị đều có văn bản kết luận của cấp uỷ. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hội thi; tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về tình hình triển khai thực hiện các đề án gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị; biên soạn các nội dung trọng tâm của các đề án tuyên truyền trên Website của Hội, Fanpage, các nhóm zalo. Đã tổ chức triển khai đến 100% cấp uỷ, chính quyền và cán bộ hội chuyên trách, đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền hàng chục tin, bài, phóng sự trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, báo Hội,…Song song với tuyên truyền, triển khai, các cấp Hội đã tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án theo từng năm với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể đồng thời đưa vào chỉ tiêu thi đua, nhiệm vụ trọng tâm hàng năm; xác định Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn liền với thực hiện các đề án, chủ thể nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Vai trò trung tâm, nòng cốt của các cấp Hội Nông dân
Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2021-2025” đã xây dựng và đưa vào vận hành phần hệ thống quản lý quy trình sản xuất và tự động kết nối cung cầu (MCA), các mô hình ứng dụng công nghệ IOT trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi,…Thông qua thực hiện Đề án đã nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, ứng dụng công nghệ số, giao dịch điện tử trong sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện Đề án “Phát triển vùng Ba kích tím hàng hóa tại huyện Sơn Động giai đoạn 2022 -2026” các cấp Hội đã vận động nông dân chuyển đổi từ trồng rừng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ba kích phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có giá trị kinh tế cao, đã hình thành vùng trồng cây ba kích tập trung tại 7 xã, diện tích 25,3 ha, trồng trên 126.000 cây. Thông qua thực hiện Đề án đã khích lệ ý chí, nghị lực vươn lên thoát đói nghèo, khát vọng làm giàu, ý chí dám nghĩ, dám làm của những người nông dân vùng cao, thay đổi nhận thức, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước.
Đề án “Xây dựng tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” là tiền đề, bổ trợ cho Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”. Xác định Chương trình OCOP là lực đẩy để các hợp tác xã, hộ gia đình phát triển, Hội Nông dân các cấp đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tự nguyện tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing, tổ chức sản xuất. Hội tập trung khai thác nguồn lực sẵn có ở địa phương, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm xây dựng sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó, các cấp Hội khảo sát những sản phẩm “tiền OCOP”, từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể đồng hành “nuôi dưỡng” sản phẩm cùng chủ thể. Đến nay, các cấp hội đã tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 97 hợp tác xã, 289 tổ hợp tác, 87 mô hình liên kết; 462 tổ hội và 71 chi hội nông dân nghề nghiệp; trực tiếp tư vấn, hỗ trợ 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; duy trì, củng cố 20 sản phẩm. Thực hiện Đề án, các cấp Hội Nông dân đã đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng sản phẩm OCOP đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Có thể khẳng định, thành quả lớn nhất của các đề án là đã làm thay đổi “tư duy, nếp nghĩ, cách làm”, đã tạo ra một sự tự tin, một sự thay đổi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tư duy của người nông dân từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; tích cực tham gia liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động tham gia mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã.
Tổ chức Hội vững mạnh, điểm tựa tin cậy của nông dân
Các cấp hội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân với phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân”, lấy lợi ích của hội viên nông dân làm động lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thông qua các chương trình, đề án, xây dựng các mô hình, các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ để tập hợp nông dân. Đến nay, tỷ lệ hội viên nông dân chiếm 107% so với số hộ nông nghiệp với trên 249 nghìn hội viên .Tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với các phong trào thi đua và hoạt động công tác Hội, trọng tâm là Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phát triển rộng khắp, lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ nông dân phát huy vai trò chủ thể trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, hàng năm có trên 100 nghìn hộ nông dân đăng ký với trên 77% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, vận động nông dân phát huy nội lực tự nguyện đóng góp trên 51 tỷ đồng, hơn 5000 ngày công; sửa chữa, bê tông hóa trên 3.770km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa, sửa chữa trên 1.000 km kênh mương nội đồng…góp phần vào thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh với 144/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 6/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2018-2023 đã có 59 tập thể và 110 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước, Trung ương hội và tỉnh biểu dương, ghi nhận tặng thưởng các danh hiệu thi đua, trong đó Hội Nông dân tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 3 cờ xuất sắc (năm 2019, 2021, 2022). Qua đó kịp thời động viên, tạo sức lan tỏa, động lực thi đua trong cán bộ, hội viên nông dân, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong phát triển nông nghiệp và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
- Hội Nông dân tỉnh Bình Dương: Hàng loạt chương trình phối hợp, hợp tác được ký kết
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố quyết định về công tác cán bộ
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết
- Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại Lai Châu