Hỗ trợ nông dân

Hội Nông dân huyện Nông Cống

Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho hội viên

Nguyễn Quang - 07:21 29/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện Chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường nông thôn năm 2024, những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông và chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý phế phẩm sau sản xuất nông nghiệp cho cán bộ, hội viên, nông dân” tại huyện Nông Cống.

Nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, chính sách bảo vệ môi trưởng của Đảng, Nhà nước cho hội viên

Tham dự Hội nghị có ông Trần Công Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Tiến sĩ Đỗ Thị Diệp – Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam là giảng viên tại hội nghị tập huấn cùng 150 cán bộ, hội viên nông dân huyện Nông Cống.

Phát biểu khai mạc hội nghị ông Trần Công Thuận nhấn mạnh: Sự nghiệp bảo vệ tài nguyên và môi trường là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội và là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để đảm bảo xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhiều văn bản nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập, cấp bách như: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn phát triển, cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2045.

Ông Trần Công Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, Đảng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ về “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”. Nghị quyết số  24 –NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Đa dạng sinh học; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ môi trường.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng, Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhân tố quyết định thắng lợi các chủ trương, nhiệm vụ, chỉ tiêu.

Theo ông Thuận, mặc dù công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả tốt, tuy nhiên nhận thức của nhiều cấp, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ, hậu quả khôn lường cả trước mắt cũng như lâu dài đối với con người và phát triển đất nước bền vững.

“Ðội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu; cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả thấp; cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, chưa quy định trách nhiệm một cách rõ ràng cụ thể. Ở một số nơi tình hình quản lý tài nguyên chưa chặt chẽ, tình hình ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ngày càng nghiêm trọng; việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Đặc biệt là việc xử lý phế phẩm sau sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế” – ông Trần Công Thuận nhận định.

150 cán bộ, hội viên nông dân huyện Nông Cống tham gia các buổi tập huấn.

Để các buổi tập huấn đạt hiệu quả cao, chất lượng, thiết thực, ông Trần Công thuận nhấn mạnh: “Trong quá trình tập huấn, các cán bộ, hội viên nông dân huyện Nông Cống cần lắng nghe và ghi chép đầy đủ những kiến thức mà giảng viên truyền đạt, đồng thời áp dụng những kiến thức vào gia đình mình và tuyên truyền, vận động bà con, anh em, họ hàng, hàng xóm cùng tham gia thực hiện”.

Ông Thuận đề nghị, tại các buổi tập huấn, giảng viên nên dành thời gian thích hợp để trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong việc truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kỹ thuật phân loại thu gom, vận chuyển và xử lý phế phẩm sau thu hoạch… nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, xây dựng nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.

Tiến sĩ Đỗ Thị Diệp – Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam truyền đạt kiến thức bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học vào sản xuất tại buổi tập huấn.       

Tham gia tập huấn lần này, các cán bộ, hội viên nông dân các cấp huyện Nông Cống sẽ được giảng viên truyền đạt những kiến thức chung về các văn bản pháp quy của Đảng và Nhà nước; các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình phối hợp của Hội Nông dân Việt Nam về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và xử lý rơm rạ; Kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường tập huấn bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới

Trước đó, tại xã Trường Trung, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Hội Nông dân huyện Nông Cống tổ chức tập huấn công tác bảo vệ môi trường và hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón.

Tham dự tập huấn có ông Vũ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân  tỉnh; bà Trần Thị Huế, Chủ tịch Hội Nông dân huyện; lãnh đạo địa phương và trên 60 cán bộ, hội viên nông dân thuộc các xã vùng 4 huyện Nông Cống.

Bà Trần Thị Huế, Chủ tịch Hội Nông dân huyện phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn tại xã Trường Trung.

Tại buổi tập huấn, bà Trần Thị Huế, Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhấn mạnh, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đến mức báo động, làm suy giảm chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người. Đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các tổ chức, cá nhân.

Cùng với việc quán triệt, triển khai chương trình hành động, chủ động ứng phó với biến đổi phức tạp khó lường của khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Nông Cống đã thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức và trách nhiệm cho cán bộ, hội viên và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, quản lý về công tác môi trường, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương,

Tại hội nghị, hội viên nông dân đã được cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Nông Cống triển khai những nội dung chính về công tác vệ sinh môi trường.

Tiếp đó, Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn các khâu kỹ thuật về xử lý rác thải thân thiện với môi trường, chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và các khâu kỹ thuật về xử lý rác thải thân thiện với môi trường, chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa truyền đạt các nội dung chuyên đề.

Thông qua hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng các trang thiết bị một cách hiệu quả vào công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, nâng cao năng suất các sản phẩm nông, lâm nghiệp; đồng thời cùng chung tay tham gia xây dựng môi trường nông thôn trong lành.

Hội Nông dân tỉnh đã trao tặng xe chở rác cho xã Trường Trung.

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Nông Cống đã chỉ đạo có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên các cánh đồng. Đảm nhận phần việc bố trí, sắp xếp. chỉnh trang các thùng thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật  đúng quy cách (có nắp đậy, có logo, cảnh báo chất thải nguy hại) theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác