Hội Nông dân Lai Châu hỗ trợ hội viên đồng bào dân tộc chăn nuôi tập trung, bảo vệ môi trường
Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu môi trường chưa đạt
Những năm qua, tỉnh Lai Châu đang tập trung nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đi đôi với từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập, phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Bản Sà Dề Phìn là bản trung tâm của xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, có hơn 2.000ha đất tự nhiên, nằm cách trung tâm huyện Sìn Hồ 11km; bản có 165 hộ, 100% là dân tộc Mông. Hiện tại, hạ tầng của bản cơ bản đã được kiên cố hóa, cụ thể: Trên địa bàn có trụ sở xã, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế. Bản có 34,7 km đường giao thông nông thôn, nội đồng, trong đó đã cứng hóa 7,2km đạt 20%; có 4km kênh mương thủy lợi, trong đó kiên cố hóa 1,2km đạt 30%; có 155 hộ sử dụng điện đảm bảo theo quy định, đạt 100%; bản có nhà văn hóa và khu vui chơi, thể thao. Bản còn 4 nhà tạm, có 151 nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng.
Sà Dề Phìn là bản có cảnh quan thiên nhiên đẹp và hoang sơ như có rừng chè cổ hàng trăm năm tuổi, có thác nước nằm ngay gần trung tâm xã, có hệ thống hang động thạch nhũ và núi đá vôi rất phù hợp cho việc phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo địa bàn xã tính đến hết năm 2020 còn cao (34%). Kinh tế chủ yếu của bản dựa vào sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, ngô, chè, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 22 triệu đồng/người/năm. Môi trường nông thôn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt theo quy định như: Cảnh quan môi trường chưa đồng bộ; mai táng chưa theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh vẫn còn thấp.
Việc chăn nuôi đại gia súc của phần lớn các hộ dân trong bản Sà Dề Phìn còn mang tính chất nhỏ lẻ (mỗi hộ từ 1 – 2 con trâu, bò, ngựa) chủ yếu là chăn thả đại gia súc trong rừng hoặc nương ngô, khu trồng lúa 1 vụ sau thu hoạch; chuồng trại chăn nuôi đại gia súc chủ yếu tạm bợ, không có hố chứa phân nên gây ô nhiễm môi trường.
Quang cảnh buổi tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại xã Sà Dề Phìn.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Sà Dề Phìn đã phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện Sìn Hồ vận động hội viên nông dân thực hiện trồng cỏ cho đại gia súc. Tuy nhiên, diện tích trồng cỏ chưa nhiều, một số hộ chưa tuân thủ đúng việc chăm sóc, thu hoạch cỏ nên diện tích cỏ được trồng cho năng suất thấp. Vì vậy, việc hỗ trợ các hộ xây dựng khu chăn nuôi đại gia súc tập trung kết hợp với hướng dẫn trồng cỏ để làm thức ăn cho gia súc nhằm giúp các hộ thay đổi tư duy, thực hiện liên kết trong sản xuất vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường là việc làm hết sức cần thiết.
Năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025”, Đề án có hiệu lực vào đầu năm 2020 và bản Sà Dề Phìn – xã Sà Dề Phìn là một trong số 11 bản được chọn để thực hiện Đề án.
Việc lựa chọn xây dựng mô hình “Hội Nông dân hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn” tại bản Sà Dề Phìn của Hội Nông dân tỉnh là hết sức phù hợp, vừa phát huy tốt các nguồn lực hỗ trợ, vừa tạo được sự đồng thuận, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tổng kinh phí triển khai thực hiện dự án là hơn 200 triệu đồng, trong đó Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại là nguồn đối ứng, đóng góp của các hộ dân tham gia mô hình.
Cấp uỷ vào cuộc, người dân đồng lòng thực hiện
Quá trình triển khai mô hình, từng khâu, từng bước triển khai đều được dân chủ, đảm bảo có sự đồng thuận, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Tại cuộc họp bản bình xét hộ tham gia mô hình, đã có trên 78% số hộ dân của Bản Sà Dề Phìn tham dự. Nội dung cuộc họp tập trung vào việc triển khai các công việc của mô hình, quyền lợi và trách nhiệm của các hộ tham gia, tầm quan trọng của mô hình trong việc góp phần thực hiện Đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025”.
Tại đây, Hội đã truyền đạt, thảo luận và thống nhất với các hộ dân về chủ trương Trung ương Hội NDVN hỗ trợ kinh phí để cung cấp, hỗ trợ những vật liệu cần thiết (xi măng, ngói fibro xi măng, ống thép và gạch không nung) cho các hộ. Còn lại, các hộ gia đình phải đối ứng các nguyên vật liệu cần thiết khác như: Cát xây, đá mạt và nhân công lao động để thực hiện xây dựng công trình chuồng trại chăn nuôi đảm bảo kích thước, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của mô hình. Kết quả, đã bình xét lựa chọn 15 hộ tham gia mô hình, là những hộ tiêu biểu, có nguyện vọng xây dựng chuồng trại chăn nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường và tuân thủ theo đúng các nội dung yêu cầu của mô hình.
Để các hộ nông dân trong xã nhận thức đầy đủ, có trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời giúp các hộ (nhất là các hộ tham gia mô hình) xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo đúng quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các đại biểu là cán bộ, hội viên, nông dân xã Sà Dề Phìn. Nhằm đảm bảo cho mô hình được triển khai đảm bảo đúng tiến độ, Hội Nông dân tỉnh đã cử cán bộ xuống xã và hướng dẫn, đôn đốc các hộ xây dựng công trình đạt chất lượng. Kết quả, các hộ đã thống nhất xây dựng được khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích xây dựng là 220m2, có thể nuôi nhốt tập trung được trên 36 con trâu, bò. Kết hợp với việc này, các hộ đã quy hoạch và thực hiện trồng cỏ xung quanh khu chăn nuôi với diện tích trên 1,2 ha.
Khu chăn nuôi tập trung của mô hình.
Mô hình chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh để phát triển sản xuất gắn với du lịch nông thôn đã góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của bản Sà Dề Phìn trong tổ chức sản xuất và du lịch. Thông qua mô hình, hội viên, nông dân địa phương có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thống nhất phương án sản xuất kinh doanh, yên tâm sản xuất (đặc biệt là nghề chăn nuôi trâu, bò tập trung kết hợp với trồng cỏ). Nguồn phân thải của gia súc được thu gom xử lý làm phân bón trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho hội viên nông dân so với trước khi thực hiện mô hình.
Mô hình đã nhận được sự đánh giá rất cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Từ những hiệu quả của việc xây dựng mô hình, có thể nhận thấy vai trò quan trọng của cấp Hội Nông dân trong tỉnh và sự đồng tình ủng hộ cao, sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hơn nữa là nhờ sự đồng lòng, ý thức tự giác của hội viên nông dân. Việc thực hiện mô hình đã góp phàn tạo thành một nếp sống văn minh mới, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất và sinh hoạt của hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân.
Thông qua mô hình này, người nông dân rất phấn khởi, thêm tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, các chỉ thị, nghị quyết của Hội Nông dân nói riêng, tích cực, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.