Hội Nông dân Nghệ An: Tiếp tục xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả
Nhiều biện pháp đồng hành tích cực với hội viên
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cấp Hội trong tỉnh là hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên tiếp cận nguồn vốn được dễ dàng trong vấn đề đầu tư, tái sản xuất. Có thể dễ dàng nhận thấy qua con số cụ thể của nhiệm kỳ qua về nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết hợp tác; hỗ trợ xây dựng, phát triển tổ hội nông dân, chi hội nông dân theo nghề nghiệp. Tính đến 30/2/2023, Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt gần 100 tỷ đồng tăng so với đầu nhiệm kỳ là 46 tỷ đồng; Dư nợ nhận ủy thác ngân hàng chính sách xã hội đạt 3.201,6 tỷ đồng, tăng 875,6 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ; Dư nợ tín chấp ngân hàng NN&PTNT cho nông dân vay vốn đạt 2.136, 3 tỷ đồng, tăng 1.441,3 tỷ so với đầu nhiệm kỳ; Dư nợ ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho nông dân vay vốn đạt 50 tỷ đồng.
Ấm lòng “viên gạch nghĩa tình” từ những giọt mồ hôi của hội viên nông dân huyện Thanh Chương.
Đồng thời với hỗ trợ về vốn, các cấp Hội ND tỉnh Nghệ An còn triển khai các hoạt động tập huấn, dạy nghề trang bị kiến thức về sản xuất kinh doanh, khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân, xem đây là nội dung chính, quan trọng, cần tập trung cao nhất trong hoạt động dịch vụ, tư vấn của tổ chức Hội; Hình thức tập huấn, dạy nghề của Hội tiếp tục đổi mới; Đối tượng tập huấn phải được lựa chọn kỹ, nội dung tập huấn thiết thực, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống của học viên; Chú trọng trang bị kiến thức chuyên sâu cho hội viên nòng cốt, hộ sản xuất kinh doanh giỏi để thực hiện phương châm nông dân dạy nông dân. Cùng với đó, tích cực, chủ động phối hợp, liên kết với các công ty, doanh nghiệp có uy tín, đảm bảo để cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi theo hình thức chậm trả gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Song song với đó, Hội tích cực chú trọng hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá tiêu thụ nông sản; Tích cực tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu, giúp nông dân tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất của nông dân trong và ngoài nước.
Hội ND Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề cho hội viên, nông dân; phương châm đào tạo tại chỗ để trực tiếp truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm hay cho nông dân. Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội ND phối hợp mở 1.041 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn 36.386 lao động nông thôn. Trong đó Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh trực tiếp mở 160 lớp đào tạo nghề cho 5.680 học viên. Chất lượng, hiệu quả các lớp dạy nghề do hội nông dân tổ chức có nhiều tiến bộ, được cấp uỷ, chính quyền, hội viên nông dân đánh giá cao, có trên 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định
Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đánh giá là nhiệm vụ then chốt, do đó Hội có phương án, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, các cấp, các ngành để hỗ trợ sinh kế, chương trình góp gạch xây dựng nhà ở cho hội viên có gia cảnh khó khăn.
Tất cả những hoạt động đó nhằm khích lệ nông dân trong toàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng cao hướng đến tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh…
Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với tinh thần sáng tạo, chủ động
“Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong chỉ đạo, tạo môi trường thúc đẩy phong trào phát triển bền vững. Hội ND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thực hiện phong trào bằng những giải pháp cụ thể để tạo động lực cho hội viên nông dân tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào. Qua các mô hình điểm đã thu hút được những gương mặt, cá nhân điển hình nhằm thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng, bền vững”, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết.
Từ hiệu quả của phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội ND đã tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người nông dân từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Gắn phong trào với nội dung Hội ND tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và niền núi.
Đồng thời, Hội ND tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch… Đây cũng là một trong những cách thức nhằm nâng cao giá trị và quảng bá nông sản một cách linh hoạt và bài bản.
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ giống, thức ăn thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học gắn với thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp" tại TX. Hoàng Mai.
Nhiệm kỳ qua, phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng, chỉ cần điểm qua những con số cụ thể có thể nhận thấy rõ điều đó, cụ thể: Giai đoạn 2018-2023, bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp chiếm gần 60% so với số hộ nông dân. Hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở có 142.336 hộ, cấp huyện có 20.754 hộ, cấp tỉnh 3.708 hộ, cấp Trung ương 147 hộ, chiếm 56% hộ hội viên nông dân đăng ký, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2022, có 1 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và 6 hộ được BCH Trung ương Hội NDVN tặng bằng khen tại hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI.
Từ phong trào trên, đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình như anh Lê Hội Hưng- Phường Quỳnh Lập, anh Nguyễn Hồng Cương - Phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai); anh Phan Đình Đường – Xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương); chị Nguyễn Thị Huyền - phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò); anh Lê Đình Chung- xã Hợp Thành (huyện Yên Thành); anh Vừ Tồng Pó- xã Mường Lống (huyện kỳ Sơn)...
“Trong nhiệm kỳ tới, Hội tiếp tục khuyến khích, động viên các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ, giúp nhau phát triển sản xuất, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên làm giàu chính đáng bằng nhiều hình thức: Giúp về vốn, ngày công lao động, cách làm ăn… Hội tiếp tục chỉ đạo sâu rộng trong các cấp Hội về xây dựng, phát triển và thực hiện có hiệu quả các mô hình sinh kế giảm nghèo; Phấn đấu mỗi năm 1 đơn vị cấp huyện xây dựng ít nhất 2 mô hình sinh kế cộng đồng giúp giảm nghèo bền vững. Hội ND tỉnh tiếp tục phát động Chương trình mỗi xã 1 công trình “Đường quê sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; Chương trình “Viên gạch nghĩa tình” hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ hội viên nghèo, hội viên có khó khăn về nhà ở…”, ông Nguyễn Quang Tùng khẳng định.