Hội Nông dân Thái Nguyên hỗ trợ hội viên chuyển đổi số
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tập huấn cho nông dân huyện Đại Từ về chuyển đổi số.
Ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi
Anh Phạm Xuân Trường là ND sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Dương Thành, huyện Phú Bình nổi tiếng trong tỉnh Thái Nguyên về đầu tư cơ sở hiện đại cho trang trại chăn nuôi gia cầm của mình.
Anh Trường cho biết: Hiện trang trại của anh có quy mô chăn nuôi 20.000 con gà mái và 17 lò ấp trứng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trong chăn nuôi, anh Trường đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại đồng bộ, khép kín với đầy đủ hệ thống quạt gió, hút mùi, điện chiếu sáng… Đáng chú ý, tất cả quy trình sản xuất chăn nuôi trong trang trại đều được anh Trường vận hành bằng hệ thống công nghệ thông minh tự động và bán tự động kết nối với điện thoại, máy tính.
Anh Trường chia sẻ: Ban đầu, khi mới làm trang trại việc ấp nở con giống của gia đình chỉ mang tính thủ công (ấp trứng gà bằng thóc), quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Thấy rõ những nhược điểm của mô hình chăn nuôi thủ công, anh Trường đã tìm hiểu và áp dụng biện pháp ấp, nở con giống bằng lò ấp hiện đại; kèm theo đó là các thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống điện chiếu sáng.
Từ năm 2017, anh Trường đã kết nối thành công hàng trăm thiết bị điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong trang trại với chiếc điện thoại của mình. Nhờ đó, anh Trường đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc hàng vạn con gà mái đẻ. Qua đó, anh có thể điều khiển, kiểm soát, giám sát các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, cường độ ánh sáng,... cho phù hợp với con gà và tránh được những rủi ro do tác động của môi trường không cần thiết.
Công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong hệ thống chuồng trại của gia đình anh Trường là hệ thống bạt chắn. Đây là bước đột phát trong quy trình xây dựng chuồng trại, đặc biệt đối với trại nuôi gà công nghiệp như hiện nay. Với hệ thống này, anh Trường có thể điều khiển bạt chắn mở ra, đóng vào một cách tự động thông qua điện thoại. Điều này sẽ giúp con gà tránh được rất nhiều rủi ro do tác động từ môi trường bên ngoài.
Với việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất và sinh hoạt, trung bình mỗi tháng, anh Trường tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện; con giống ấp, nở đảm bảo chất lượng nhờ ánh sáng, nhiệt độ, thời gian phù hợp; tỷ lệ hao hụt thấp… Mỗi năm, anh Trường xuất bán 100.000 con giống gà, vịt cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, thu lãi từ 1-3 tỷ đồng.
Cũng là 1 trong những nông dân tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ chè, chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: HTX đang quản lý gần 50ha vùng nguyên liệu chè tại xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên). Ứng dụng chuyển đổi số đã giúp cơ sở này phát triển mạnh mẽ ngay trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi đó, sản phẩm chè được đưa lên các sàn thương mại điện tử hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo để tiếp cận khách hàng và có rất nhiều người đặt mua. Đến nay, các kênh bán hàng online vẫn tăng trưởng tốt, HTX đang cắt cử 5 nhân viên chỉ tập trung tổng hợp đơn của khách đặt hàng.
Cơ hội để ND quảng bá sản phẩm, tiêu thụ tốt hơn
Cũng theo chị Hảo, thông qua các sàn thương mại điện tử là cơ hội để HTX quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như cách thức chế biến và sản xuất trà đến khách hàng rất dễ dàng và hiệu quả. “Từ khi áp dụng chuyển đổi số vào việc tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi nhận thấy hình ảnh, chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu của HTX được nâng lên rất nhiều, lượng khách hàng tiếp cận và biết đến sản phẩm của HTX cũng tăng lên đáng kể, nhờ đó thị trường tiêu thụ mở rộng, lượng khách hàng tìm đến sản phẩm của HTX ngày càng lớn, từ đó doanh thu cũng tăng lên rất nhiều”, chị Hảo thông tin thêm.
Chị Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) giới thiệu sản phẩm chè của HTX.
Chị Hảo cho biết thêm, ứng dụng chuyển đổi số ở HTX chè Hảo Đạt còn là những phần mềm quản lý chấm công, tính lương tự động, trả lương qua tài khoản ngân hàng. Đến nay, 90% người lao động của HTX cả cố định lẫn thời vụ đều nhận thông báo lương, nhận lương qua điện thoại. Nhờ cách quản lý bằng ứng dụng chấm công bằng vân tay, HTX có thể quản lý chính xác giờ làm của từng người để tính lương, tất cả đều chính xác, công bằng nên không xảy ra trường hợp thắc mắc, khiếu nại.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên, trong 3 năm gần đây, Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tổ chức các hoạt động tập huấn, hỗ trợ ND đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Riêng trong năm 2022, Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được 18 lớp tập huấn cho hơn 600 học viên tham gia dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ ND và các Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Qua đó, giúp bà con đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hiệu quả.
Ông Đặng Thái Bình - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, thời gian qua, Hội ND tỉnh Thái Nguyên cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ bà con ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, giúp sản lượng và chất lượng sản phẩm được gia tăng, giá trị sản phẩm cũng từ đó được nâng lên. Để hỗ trợ ND, HTX chuyển đổi số, Hội ND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ ND kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu, tiến tới tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Các ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số đang tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương này. Không chỉ có sản phẩm chè mà rất nhiều loại nông sản khác được tiêu thụ mạnh qua các hình thức bán hàng online. Cụ thể, với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, hiện nay chúng tôi thống kê có 186 hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng và thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về các đơn vị này lên ứng dụng Công dân Thái Nguyên (C-Thainguyen)”.
Ông Đặng Thái Bình - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi