Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đề ra 4 mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023-2028
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp Nông dân tỉnh Quảng Trị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt trong công tác Hội và phong trào nông dân trong 5 năm qua, đồng thời, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Dự và chỉ đạo Đại hội có bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh. Than dự Đại hội có ông Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Hội vững mạnh, nhiều phong trào được lan tỏa
Với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, hợp tác, phát triển”, các cấp Hội tiếp tục tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đoàn kết, tập hợp đông đảo hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị giàu đẹp, văn minh.
Để tạo đà cho nông dân vươn lên phát triển kinh tế, hướng đến giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, các cấp Hội đã có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ hội viên nông dân trên trong tỉnh như: Hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm …đặc biệt là khích lệ, động viên nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy, phát huy tính sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm bằng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Chính phong trào đã lan tỏa sâu rộng, khơi dậy mạnh mẽ trong nông dân tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hàng năm, có trên 60% hộ nông dân đăng ký. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 26.926 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 54,28 % so với số hộ đăng ký, tăng 5.123 hộ so với đầu nhiệm kỳ. Từ phong trào xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu. Điển hình như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ quy mô 3ha tại xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh); trồng sắn dây tại xã Cam Chính (Cam Lộ); trồng tiêu sử dụng chế phẩm sinh học tại xã Phong Bình (Gio Linh); chăn nuôi gà theo quy mô trang trại…
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo 6 cây, 2 con chủ lực của tỉnh gồm: Cây cao su, cà phê, tiêu, lúa chất lượng cao, rừng kinh tế và cây dược liệu; con bò và tôm; chú trọng áp dụng công nghệ, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất diện rộng; sản xuất theo hướng liên kết, chuyển từ sản xuất theo số lượng sang chú trọng chất lượng gắn với thị trường, từ sản xuất phân tán sang tập trung, hình thành và mở rộng những vùng sản xuất chuyên canh.
Từ các phong trào đã khơi gợi nên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức: xây tặng nhà “Mái ấm nông dân”, giúp giống, vốn, ngày công, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm với tổng trị giá 63,4 tỷ đồng, qua đó, Hội đã giúp 2.657 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.
Song song với đó, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong nhiệm kỳ qua, nông dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến 343.496m2 đất; góp 95,2 tỷ đồng; 160.451 ngày công; xây dựng và sửa chữa 836km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, nâng cấp 1.300km kênh mương nội đồng…
Toàn tỉnh hiện có 148 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, trong đó Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng 5 mô hình, trị giá 600 triệu đồng; Phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng, khu phố văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... Có 80.308 hộ hội viên nông dân được công nhận danh hiệu Gia đình Văn hóa, đạt tỷ lệ 97,5%. Đến nay, toàn tỉnh có 69/101 xã và huyện Cam Lộ đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những nỗ lực đạt được của cán bộ, hội viên nông dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; vật tư, phân bón tăng cao, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khó khăn; ô nhiễm môi trường, công tác đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân.
4 mục tiêu trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị lần thứ XII kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, hợp tác, phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028 đề ra, góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh thực hiện mục tiêu đưa Quảng Trị có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới, Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng trị đã đề ra 4 mục tiêu phấn đấu:
Thứ nhất, xây dựng Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vững mạnh về mọi mặt đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Thứ hai, đẩy mạnh chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Chú trọng hướng dẫn, xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hội viên thông qua công tác vận động, tuyên truyền giáo dục để hội viên, nông dân nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa.
Thứ tư, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ năng lực, am hiểu nông nghiệp, nông thôn, sâu sát nông dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động Hội và phong trào nông dân. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh về thực hiện các nghị quyết Đại hội Hội Nông dân Việt Nam, Đại hội Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhất là Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Đại hội, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã biểu dương những kết quả mà Hội Nông dân Quảng Trị đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và cũng tại Đại hội, Hội Nông dân Quảng Trị đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ 2018-2023.
"Quảng Trị là vùng đất đã sinh ra nhiều danh tướng, nhân tài cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, người Quảng Trị có truyền thống hiếu học, dám nghĩ, dám làm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; có tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao, giàu lòng nhân ái. Những giá trị đó đã kết tinh trở thành truyền thống tốt đẹp, phản ánh đất và người Quảng Trị, làm cho mỗi người sống trên mảnh đất Quảng Trị thấy tự hào, yêu mến quê hương, đem hết sức lực và tài năng cống hiến, đây chính là động lực quan trọng góp phần đẩy mạnh phát triển KT- XH của tỉnh, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.
Nhiệm kỳ 2018 – 2023, trước những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp biến động tăng cao, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp; các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI đạt nhiều kết quả phấn khởi", Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN chỉ đạo trong thời gian tới các cấp Hội ND tỉnh Quảng Trị cần quan tâm đưa vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, tập trung vào các nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chương trình của Hội, các vấn đề liên quan NN, ND, NT đảm bảo thiết thực, hấp dẫn, phù hợp; tuyên truyền, vận động gắn cần với xây dựng các mô hình; tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, tránh “tuyên truyền xuông, vận động chay” để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; xây dựng đội ngũ nông dân mới, nông dân Quảng Trị chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thử thách, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị, phát triển bền vững, trách nhiệm.
Hai là, tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, hoạt động có hiệu quả; trong đó, cần tập trung trước nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo đủ số lượng, có kiến thức, kỹ năng về mọi mặt; thấu hiểu và chia sẻ với nông dân; nhiệt huyết trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân; Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, đổi mới phương thức tập hợp, thu hút hội viên nhất là các đối tượng nhà khoa học, tri thức, doanh nghiệp nông nghiệp, các sinh viên vào tổ chức Hội thông qua xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân; làm tốt công tác quản lý hội viên thông qua ứng dụng công nghệ số và phát thẻ hội viên; duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, tăng cường tuyên truyền vận động và xây dựng các loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi… tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả và có sức lan tỏa rộng rãi; trong đó, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với phương châm “tuyên truyền, vận động đi cùng với hỗ trợ phát triển phong trào”; Vận động và hướng dẫn hội viên nông dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời tổng kết để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Bốn là, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần chủ động tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ, trong đó chú trọng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, các nguồn vốn ưu đãi và vốn tín dụng cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh; Phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số, thông tin thị trường cho nông dân; đẩy mạnh phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất theo chuỗi giá trị; hướng dẫn nông dân kết nối, giới thiệu, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp, đào tạo theo thực tế, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, theo mô hình “nông dân dạy nông dân”; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu; cần nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Trị trong hoạt động hỗ trợ nông dân.
Năm là, các cấp Hội trong tỉnh cần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, làm cầu nối giữa Đảng và nông dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi cán bộ Hội các cấp phải sâu sát cơ sở, nhiệt tình, thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nông dân, phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, hiểu nông dân và vì nông dân, đồng hành, sát cánh cùng nông dân; nắm được những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở địa phương để tham mưu cho Đảng, Chính quyền các cấp kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 31 đồng chí; bầu 11 đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VIII. Ông Trần Văn Bến tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị khoá XII, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Hội Nông dân tỉnh Bình Dương: Hàng loạt chương trình phối hợp, hợp tác được ký kết
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố quyết định về công tác cán bộ
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết
- Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại Lai Châu