Nông thôn mới

Hưng Yên tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Tuấn Trung - 07:22 11/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, ngay sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới (năm 2020), tỉnh Hưng Yên đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Người dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới là nguồn lực quan trọng nhất để sớm đưa “Hưng Yên trở thành tỉnh nông thôn mới”.

Lấy người dân làm trọng tâm

Để về đích trở thành “Tỉnh nông thôn mới” năm 2020, Hưng Yên cũng đã trải qua nhiều khó khăn, nhất là vào những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Hưng Yên vốn là tỉnh thuần nông, đời sống của bà con chủ yếu là nông nghiệp, thu ngân sách của tỉnh thấp nên nguồn lực đầu tư dành cho nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế.

Chính vì vậy, để xây dựng nông thôn mới thành công như hôm nay, theo ông Lê Trung Cần - Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên: Lợi thế lớn nhất của tỉnh Hưng Yên khi đó chính là nguồn lực từ nhân dân. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hưng Yên đã bám sát với quan điểm thực hiện “Lấy người dân làm trọng tâm - vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực”.

Mỹ Hào là huyện đầu tiên của tỉnh Hưng Yên (nay là thị xã Mỹ Hào) đã về đích nông thôn mới năm 2017. Sau 8 năm tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới, Mỹ Hào đã huy động trên 3.000 tỷ đồng cho chương trình này, trong đó vốn từ tín dụng, đóng góp của doanh nghiệp và người dân đã chiếm tới hơn 80%.

Về xã Nhân Hòa (nay là phường Nhân Hoà) thị xã Mỹ Hào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 4/2015), diện mạo nơi đây đã có sự đổi thay rõ rệt. Những con đường rộng thênh thang ô tô, xe máy đi lại thuận lợi, nhiều ngôi nhà cao tầng đã “mọc lên” san sát; trường học, trạm y tế… được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Một trong những yếu tố tạo nên kết quả đó là khi triển khai nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền phường Nhân Hoà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động được cả hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Vì vậy mỗi công trình hạ tầng trên địa bàn phường Nhân Hoà ngày hôm nay đều mang đậm dấu ấn của người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ việc đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất đến việc trực tiếp xây dựng, quản lý đều được người dân bàn bạc công khai. Nhiều công trình dân sinh hay hoạt động phong trào ở địa phương đạt kết quả hơn mong đợi là do chính người dân đưa ra ý tưởng, tự vận động, tuyên truyền và triển khai thực hiện.

Cách làm của phường Nhân Hoà cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của thị xã Mỹ Hào trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm “Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, góp công, góp của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Sau 7 năm tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, người dân trên địa bàn thị xã Mỹ Hào đã đóng góp trên 2,6 tỷ đồng; 935 ngày công lao động và hiến trên 260.000m2 đất để làm đường giao thông, công trình thủy lợi…

Nhờ sự chung tay, đoàn kết một lòng của nhân dân trong thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước mà Mỹ Hào đã trở thành địa phương đầu tiên được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1011/QĐ-TTg công nhận huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Con đường ở xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm) không chỉ đẹp mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh Cao Khởi

Kiên định với mục tiêu đã chọn

Ngay sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới 2020, tỉnh Hưng Yên đã tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX đã xây dựng Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy - Hội đồng Nhân dân tỉnh; UBND tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều văn bản quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình như: Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 29/11/2021 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 về việc phê duyệt Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 05/8/2021 về việc tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu nông thôn mới” tỉnh Hưng Yên năm 2021; Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 01/11/2021 về việc tổ chức cuộc thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Ban chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-BCĐ về tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước và xây dựng điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021-2025…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên, Quyết định thành lập Đoàn thẩm định và thành lập Hội đồng thẩm định xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn kiểu mẫu nhằm giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 được kịp thời, thống nhất và đạt hiệu quả cao.

Mục tiêu then chốt của các Nghị quyết, chương trình mà tỉnh Hưng Yên đã ban hành trong thời gian qua nhằm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một giàu có và thịnh vượng hơn. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa.

Từ đó sớm đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững; xã hội dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa.

Chính vì vậy, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Hưng Yên đã  có 61 xã đạt nông thôn mới nâng cao; có 06 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có 48 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả cao trong thời gian tới, ông Cần cho biết thêm: Tỉnh Hưng Yên sẽ tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân theo phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực để tạo khâu đột phá trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi địa phương sẽ chủ động đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của mình để xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác