Nông thôn mới

Hướng đi đầy triển vọng trong phát triển kinh tế với cây mận, cây đào ở Pù Nhi

Hoàng Tính - 13:15 15/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển nông - lâm nghiệp, các hộ dân ở xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá) đã và đang tích cực chuyển đổi phần lớn diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây đào, cây mận, giờ đây nhiều hộ gia đình đã có hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển cây trồng tiềm năng của địa phương

Đưa phóng viên của Tạp chí Nông thôn mới đi thăm mô hình trồng mận, trồng đào, trên địa bàn xã Pù Nhi, anh Lầu Văn Dính – Chủ tịch Hội Nông dân xã Pù Nhi phấn khởi cho chúng tôi biết: Những năm gần đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của một số bà con nông dân trong xã Pù Nhi đã có nhiều đổi thay tích cực, trong đó có việc tích cực phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là có thu nhập cao từ trồng cây đào, cây mận. Ngay từ trước Tết Nguyên đán bà con nơi đây đã lựa chọn những cành đào, cành mận nở hoa đẹp để cắt tỉa đem bán cho người dân chơi Tết và trên những cành còn lại đến tháng 4, tháng 5 năm sau thì lại tiếp tục thu hoạch quả bán.

Với sự hỗ trợ của  Hội Nông dân tỉnh, huyện, các cấp, các ngành cây mận, cây đào đang góp phần làm thay đổi cuộc sống cho bà con nông dân xã Pù Nhi.

Với khí hậu thích hợp, chính vì vậy cây đào, cây mận đã có mặt ở đất Pù Nhi từ bao đời nay, nhưng bà con chủ yếu để chơi trong vườn nhà, khi có hoa; có trái thì cũng chỉ đem gửi tặng mọi người làm quà, chưa biết tính toán để sản xuất hàng hóa để bán có nguồn thu.

Những những năm trở lại đây, nhận thấy tiềm năng từ cây mận, cây đào; các cấp, các ngành chức năng của huyện Mường Lát nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung đã tích cực hỗ trợ bà con từ kỹ thuật trồng, giống cây, phân bón… từ đó bà con nơi đây đã phát triển những vườn mận, vườn đào để trở thành hàng hoá và tạo ra hướng phát triển kinh tế ổn định.

Ông Lộc Văn Hiến – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Lát cho hay: Để cây mận, cây đào có được chỗ đứng như ở xã Pù Nhi cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện như hiện nay, những năm qua, trong quá trình triển khai hoạt động của Hội Nông dân huyện Mường Lát, chúng tôi đã lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân… về trồng mận, đào trong phát triển kinh tế, nhằm giúp bà con hiểu và làm theo. Để thuận lợi trong triển khai, chính từ các đồng chí đảng viên, các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân cơ sở đã là những người đi đầu trong việc trồng và phát triển cây mận, cây đào trên địa bàn. Từ những mô hình cụ thể đó, người dân thấy được hiệu quả trong kinh tế và đã tiếp tục học tập làm theo.

Năm 2023 với khí hậu thuận lợi các vườn mận ở Pù Nhi đang cho nhiều quả to, đẹp
 

Là gia đình có diện tích trồng đào, trồng mận lớn của xã Pù Nhi, bà Gia Thị Ly cho hay: Gia đình tôi có 2 vườn, diện tích trồng cũng gần 1ha; năm 2022 vừa rồi riêng từ việc bán quả cũng cho gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng; hy vọng trong năm 2023 này, vườn mận, vườn đào sẽ cho gia đình tôi thu nhập tốt hơn năm ngoái.

Tích cực hỗ trợ người dân

Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hiện nay ở xã Pù Nhi đang có khoảng 23.000 gốc đào, mận được trồng trên diện tích khoảng 10ha. Bà con nơi đây chia đào, mận ra thành 2 loại gồm giống đào đá, mận hậu của người Mông từ xưa và giống đào, mận Dự án (tức là những loại đào, mận từ nơi khác đem về lai ghép và đem về trồng ở địa phương, trong đó có phát triển cây mận Tam hoa).

Bà Hà Thị Lan Hương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá đang hướng dẫn để nông dân ở Pù Nhi có thể bán mận, đào qua hình thức onnile trên trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Chia sẻ về việc trồng mận, trồng đào, ông Lâu Tông Cơ ở xã Pù Nhi cho chúng tôi biết: Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, gia đình tôi cũng đã trồng được khoảng 1 ha cây mận, cây đào. Các vườn mận, vườn đào ở đây phát triển rất tốt, trồng được 3 năm thì bắt đầu cho thu hoạch và những năm tiếp theo năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, hiện nay một số vườn mận, vườn đào cho ra quả sớm, trái vụ bán rất được giá, vì vậy cũng mong Hội Nông dân, các ngành chức năng hỗ trợ bà con nông dân chúng tôi về kỹ thuật xử lý, cũng như những giống cây ghép… để việc trồng mận, trồng đào sẽ có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ bà con nông dân xã Pù Nhi phát triển cây mận, cây đào trong thời gian tới, bà Hà Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá cho hay: Đối với sản phẩm quả đào, quả mận bà con nông dân ngoài việc bán hàng truyền thống qua các thương lái, tiểu thương thì việc bán hàng onnile, trực tuyến qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là vấn đề cần triển khai ngay, bởi đã có nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tích cực triển khai, vừa tiêu thụ nông sản thuận lợi lại vừa nâng cao được giá trị sản phẩm.

Là địa phương vùng sâu, vùng xa còn có nhiều khó khăn từ điều kiện tự nhiên, địa lý đến kinh tế, xã hội... chính vì vậy việc phát triển cây mận, cây đào ở xã Pù Nhi thời gian qua đã là tín hiệu tích cực để bà con nông dân trên địa bàn xã cũng như huyện Mường Lát, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cây mận, cây đào. Cùng với đó các ngành chức năng cũng kịp thời bám sát để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng với bà con nông dân xã Pù Nhi, huyện Mường Lát phát triển kinh tế với cây mận, cây đào. Từ đó sẽ góp phần quan trọng để xây dựng và phát triển huyện Mường Lát trở thành huyện thoát nghèo vào năm 2030, theo như đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 19/9/2022 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác