Hướng tới mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo
Nguồn nhân lực và doanh nghiệp sự gắn kết 2 chiều
Trước hết, phải khẳng định đào tạo nhân lực là để cung cấp cho doanh nghiệp. Để đào tạo gắn kết và đáp ứng được các nhu cầu của các bên cần có sự tham gia từ nhiều phía vào tất cả các khâu trong quá trình đào tạo, từ việc xây dựng mục tiêu chương trình, giáo trình, quá trình tổ chức đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng cho người lao động và tuyển dụng sinh viên sau đào tạo. Do đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo… đều là vì quyền lợi của cả hai bên. Tuy nhiên, yếu tố đóng vai trò quyết định đó chính là chất lượng nguồn nhân lực mà chính doanh nghiệp cần.
Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là phải trên cơ sở tự nguyện, hai bên cùng có lợi. Khi doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo, doanh nghiệp sẽ tự đào tạo. Nếu không tự đào tạo được hoặc đào tạo tốn kém chi phí, doanh nghiệp sẽ phải tự tìm đến các cơ sở đào tạo để hợp tác hoặc đặt hàng dựa trên điều kiện, yêu cầu của doanh nghiệp. Nghiệm số của bài toán này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, tuy nhiên cũng cần có một số quy định chặt chẽ…
Trước tiên, việc thành lập các hội đồng kỹ năng nghề làm nhiệm vụ thuộc các hiệp hội công nghiệp nghiên cứu dự báo về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho từng ngành nghề theo từng giai đoạn, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động… để các cơ sở đào tạo có được thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp cả số lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề trước mắt và lâu dài để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo… là hết sức cần thiết.
Tiếp đó, các cơ quan hữu quan chủ động ban hành những chính sách cụ thể và đồng bộ để khuyến khích thực hiện mối quan hệ hợp tác này giữa nhà trường và doanh nghiệp, với người tham gia giảng dạy, người học khi học tập ở doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có những văn bản dưới luật quy định việc sử dụng lao động qua đào tạo để các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với các cơ sở đào tạo, với người học nghề. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp FDI tuyển lao động không qua đào tạo, trong đó có lao động chưa tốt nghiệp THPT để có chi phí nhân công rẻ. Tạo điều kiện cho các sở đào tạo nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm. Trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao cần có các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hoặc doanh nghiệp khoa học công nghệ để có thể hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu, sản xuất làm ra sản phẩm và thực hiện chuyển giao công nghệ để thương mại hoá các sản phẩm công nghệ và tăng nguồn thu cho nhà trường…”.
Thực tế cho thấy, trong xã hội có thị trường lao động lành mạnh, thì người có tấm bằng đại học nhìn chung có cơ hội việc làm tốt hơn người học nghề. Ngoài ra, không ít người vẫn quan niệm rằng “tốt nghiệp đại học sẽ là cách nâng cao địa vị xã hội”, đáp ứng nhiều hơn sự thoả mãn cá nhân, thế hệ sau sẽ thông minh và học hành giỏi giang, có điều kiện chăm sóc sức khỏe hơn, thậm chí thu nhập cũng tốt hơn so với người có trình độ thấp...
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên. Để hình thành kỹ năng cho người lao động, đòi hỏi người học phải được thực hành với trang thiết bị thực. Nếu chỉ học ở nhà trường là chủ yếu, thì học sinh mới chỉ có chút kiến thức, kỹ năng nghề ban đầu và khi bắt tay vào sản xuất thực tế tại các doanh nghiệp thì hoàn toàn lúng túng. Ví dụ cụ thể ở trường hợp này là nếu người học lái xe chỉ học lý thuyết cho dù rất giỏi (thời gian thực hành không nhiều) thì chắc chắn khó mà lái xe lưu thông an toàn trên đường được vì bạn chưa đủ kỹ năng và thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống…
Để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đào tạo cần phải có chính sách hài hòa. Trước tiên là động viên, khích lệ thông qua việc Nhà nước có cơ chế miễn thuế trong luật thuế thu nhập cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo. Tăng cường vinh danh những doanh nghiệp đóng góp phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Còn bắt buộc ở khía cạnh, thực tế là giáo dục nghề nghiệp hiện nay chúng ta đang có phần chệch hướng vì phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Nhà nước, đào tạo kiểu các trường nghề “quốc doanh” mà chưa quan tâm đến việc đòi hỏi các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề cho chính mình.
Cần có sự phối hợp cụ thể và bền vững
Theo chia sẻ của một số lãnh đạo các trường cao đẳng nghề, để mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo có hiệu quả, cần những hoạt động cụ thể. Đơn cử như, các trường phải đổi mới chương trình, hướng đến đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đa dạng hóa hình thức, nội dung phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, chú trọng ký kết các hợp đồng đào tạo; phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức cho người học thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp; hoàn thiện chuẩn đầu ra để đổi mới chương trình đào tạo; phối hợp với doanh nghiệp đánh giá và xếp loại người học; mời đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn tốt trong doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại nhà trường hoặc tại địa điểm thực tập. Các trường cũng cần khai thác đội cán bộ, ngũ chuyên gia trong doanh nghiệp tham gia vào các quá trình xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng cho người lao động. Đưa sinh viên đi đào tạo tại doanh nghiệp để giảm tải cho giáo viên cũng là một hoạt động rất quan trọng. Tiếp đó, nên tăng cường hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm và khai thác đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ mới chỉ có trong doanh nghiệp…”
Hiện nay, có một số mô hình hợp tác trường và cơ sở sử dụng lao động khá tốt như: Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng LILAMA, Cao đẳng Công nghệ TP.HCM, Trung cấp Bắc Thăng Long Hà Nội... Đặc biệt, các trường thuộc nhóm chăm sóc sức khỏe thì công tác này đã trở thành văn hóa truyền thống. Nhìn chung, trường và doanh nghiệp hay cơ sở sử dụng lao động có mô hình hợp tác khá đa dạng như xây dựng chương trình, đặc biệt doanh nghiệp là nơi góp ý xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình, là nơi nhận học sinh thực tập theo kế hoạch, cung cấp chuyên gia và giáo viên tham gia dạy và đánh giá, hợp đồng cùng xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng theo yêu cầu doanh nghiệp, nhận học sinh sau tốt nghiệp...
Một số lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động đào tạo, có cơ hội theo dõi và tuyển chọn được những học sinh giỏi, năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình. Tập trung lực lượng lao động phụ là sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, tiền công rẻ để thực hiện những nhiệm vụ sản xuất phù hợp. Doanh nghiệp đặt hàng cho nhà trường, cùng với nhà trường nghiên cứu, sản xuất, phát triển các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường. Nhà trường giúp đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo theo yêu cầu, theo đơn đặt hàng để nâng cao chất lượng đội ngũ của doanh nghiệp. Được khấu trừ thuế và các chế độ ưu đãi khác...
Đối với người học, tạo cơ hội tiếp cận với đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, tiếp cận với những phương tiện, thiết bị hiện đại, giúp người học nhanh chóng hình thành được những kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động, cũng như rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, sớm thích ứng với công việc không cần phải bồi dưỡng hoặc đào tạo lại...
Vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của doanh nghiệp với đào tạo nghề nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống đào tạo nghề trên cả nước. Vậy cần có những chính sách và giải pháp gì để thúc đẩy sự gắn kết mà ở đó nhiều bên cùng có lợi?
Về phương diện hợp tác trường và doanh nghiệp, một số nhà nghiên cứu đưa ra những khuyến cáo, trong đó nhà trường cần chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng kế hoạch hợp tác và cam kết cụ thể để doanh nghiệp thấy cách làm việc chuyên nghiệp của nhà trường. Chất lượng đào tạo cần được đảm bảo và được thông tin rõ ràng để doanh nghiệp hiệu rõ. Tiếp đó, các đơn vị đào tạo được tự chủ nhiều hơn để mời chuyên gia doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giảng dạy, làm cố vấn ngành đào tạo và sớm hình thành hội đồng kỹ năng nghề địa phương để giữ mối quan hệ thường xuyên giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng như gắn cung và cầu kỹ năng. Tăng cường truyền thông qua hội thảo, phương tiện truyền thông, ngày hội việc làm, marketing sẽ tăng hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích các bên liên quan. Và điều quan trọng hơn cả là quá trình hợp tác trường và doanh nghiệp chỉ có thể bền vững khi học sinh, sinh viên cùng giảng viên tăng cường xây dựng hình ảnh, trách nhiệm đảm bảo uy tín của hai bên.