Hướng tới NET ZERO ở Tập đoàn TH: Làm sạch khói, cắt giảm tối đa nhựa
Kiên định với tôn chỉ “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn TH đang góp phần thực hiện cam kết hướng tới NET ZERO của Việt Nam tại COP26 - thông qua nhiều sáng kiến, giải pháp phát triển bền vững.
Tính đến nay, “Cam kết đi đôi với hành động” hướng tới NET ZERO đã giúp Tập đoàn TH giảm đến 85% tổng phát thải khí nhà kính so với trước đây, bớt hơn 500 tấn nhựa mỗi năm.
Giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Net Zero vào năm 2050 - cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) và khẳng định lại ở COP27, đã trở thành dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững. Trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong.
Tại Tập đoàn TH, ông Cao Minh Hòa - Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa tươi sạch TH, cho biết ngay từ khi thành lập, Anh hùng Lao động - doanh nhân Thái Hương đã xác định chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững với tôn chỉ xuyên suốt “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo kế hoạch, Tập đoàn TH đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tại trang trại và nhà máy trung bình đạt 15%/năm. Tổng phạm vi phát thải nhà kính trên một đơn vị sản phẩm tại nhà máy, trang trại, giảm trung bình 15%/năm.
Tuy nhiên, với rất nhiều giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt từ người đứng đầu cho đến từng đơn vị, từng người lao động, năm 2022, hệ thống trang trại của Tập đoàn đã vượt kế hoạch đề ra khi nâng mức giảm phát thải trung bình lên hơn 20% tổng phạm vi phát thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp/đơn vị sản phẩm.
Đặc biệt, Công ty Cổ phần sữa TH - một trong những “cứ điểm” chủ lực của Tập đoàn đang cung ứng ra thị trường hàng trăm dòng sản phẩm từ sữa tươi sạch chất lượng cao, suốt 2 năm liên tiếp (2019-2020) đều đạt mức giảm phát thải bình quân 0,168kg CO2/lít sữa - thấp hơn ngưỡng cho phép.
“Năm 2022, tổng phát thải khí nhà kính tại nhà máy tiếp tục giảm mạnh xuống còn 0,103kg CO2/đơn vị sản phẩm... Đây là mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á”.
Ông Cao Minh Hòa - Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa tươi sạch TH.
Ngoài ra, Nhà máy Sữa TH còn là đơn vị đơn vị đi đầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường khi thay thế đốt lò hơi bằng nhiên liệu hóa thạch (dầu FO) sang sử dụng nhiên liệu sinh khối với lò Biomass. Theo ông Cao Minh Hòa, nguồn nhiên liệu “xanh” mà Nhà máy đang sử dụng không những có chi phí rẻ hơn mà khói thải còn trở nên sạch và an toàn hơn rất nhiều.
Hiện tại Nhà máy Sữa TH đang vận hành 2 lò Biomass. Hơi sinh ra từ lò cung cấp đủ nhu cầu cho toàn bộ khu vực sản xuất để thanh trùng, tiệt trùng máy rót; gia nhiệt nước, hỗ trợ quy trình làm sạch đường ống, thiết bị trong suốt quá trình sản xuất.
Cùng với đó, Tập đoàn TH cũng đồng thời thu hồi nước ngưng tụ ở một số thiết bị chủ chốt. Lượng nước ngưng thu hồi được chiếm 50-60% tổng lượng hơi cấp cho sản xuất, góp phần tiết kiệm nhiên liệu trong mọi quá trình sản xuất.
Trực tiếp dẫn phóng viên đi tham quan khu vực đặt lò hơi trong khuôn viên nhà máy sữa tươi sạch, ông Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng Động lực của nhà máy, phấn khởi cho biết nếu so với thời điểm còn đốt nhiên liệu hóa thạch, môi trường làm việc của công nhân vận hành lò hơi giờ đây đã “dễ thở” hơn rất nhiều.
Theo chia sẻ của ông Hưng, trong dầu FO, tỷ lệ lưu huỳnh chiếm 3,4% nên khi đốt ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra khí SO2, SO3... nếu không được thu hồi, thoát ra ngoài gặp trời mưa sẽ tạo thành axit độc hại.
“Còn bây giờ, lò Biomass đốt bằng nhiên liệu sinh khối, khói thải được thu hồi để làm sạch trước khi thải ra môi trường. Khói đi qua hệ thống dập bụi, sau đó tiếp tục đi qua hệ thống màng lọc. Hệ thống lọc này có thể giữ lại được 99% bụi tro, không để bay ra bên ngoài. Do vậy, khói thải từ lò hơi Biomass còn sạch hơn cả khói đun từ bếp củi,” ông Hưng cho biết.
Đến nay, với rất nhiều ưu điểm và lợi ích mang lại, giải pháp chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh khối đã nhanh chóng được nhân rộng ở các nhà máy khác trong toàn Tập đoàn. Tính chung cho năm 2022, việc chuyển đổi trên đã giúp Tập đoàn TH giảm hơn 85% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 2021.
Ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiêu dùng giảm tối đa rác thải nhựa
Không chỉ tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn liên tục cải tiến công nghệ để cắt giảm tối đa lượng nhựa trong sản xuất. Nổi bật là quyết định bỏ màng co nắp chai nhựa trên toàn bộ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Năng - Giám đốc Nhà máy Nước tinh khiết, Thảo dược và Hoa quả Núi Tiên cho biết nhà máy hiện đang cung ứng ra thị trường hàng chục dòng sản phẩm đồ uống đóng chai chất lượng cao như nước tinh khiết TH true WATER, nước gạo TH true RICE và các sản phẩm nước uống từ trái cây tự nhiên.
Đây là nhà máy được khánh thành vào tháng 2/2019 với hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức… giúp vừa đảm bảo chất lượng hàng đầu cho sản phẩm vừa tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Sau gần 4 năm vận hành, Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên đã và đang không ngừng cải tiến công nghệ với mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, cắt giảm phát thải.
Ông Nguyễn Văn Năng chia sẻ: “Trong quá khứ, các sản phẩm nước đóng chai đều phải có màng co nhựa bọc nắp chai vì công nghệ trước đây vẫn tồn tại những hạn chế khiến nguy cơ bụi, hoặc không khí bên ngoài có thể thẩm thấu ngược vào bên trong, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhưng hiện nay, công nghệ đóng nắp chai mà TH áp dụng đã khắc phục triệt để nhược điểm này. Chúng tôi không cần phải sử dụng màng co plastic bên ngoài nắp chai nữa. Chỉ một thay đổi nhỏ này thôi mỗi năm nhà máy cắt giảm được 40 tấn nhựa.”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Năng, cắt giảm nhựa còn được nghiên cứu và áp dụng trong quy trình sản xuất chai. Cụ thể, với dòng chai nước hoa quả, khối lượng nhựa trước đây là 14,5 gr/chai nay đã được giảm xuống mức nhẹ nhất 12 gr/chai. Nhà máy cũng cải tiến công nghệ, giảm độ dày của nhãn mác bọc chai hiện chỉ còn 35 micromet. Đây đang là màng nhựa mỏng nhất Việt Nam, đến nay chưa có doanh nghiệp nào làm được.
Theo tính toán, bằng việc áp dụng tổng thể các giải pháp công nghệ để giảm lượng nhựa trong sản xuất, Tập đoàn TH đang cắt giảm được 500 tấn nhựa/năm.
“Giảm nhựa không chỉ là tiết kiệm, có lợi cho sản xuất mà quan trọng hơn đó là cách ứng xử thông minh, thân thiện với môi trường. Vì thế, cùng với việc làm ra các sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, qua từng năm - dựa trên công nghệ hiện đại, người lao động ở TH đã luôn nỗ lực để định hướng “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” trở thành hiện thực,” ông Năng bày tỏ.
Thông qua những hành động thiết thực đang diễn ra mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Năng và đồng nghiệp muốn gửi đi thông điệp khẳng định Tập đoàn TH tự hào với chiến lược phát triển xanh bền vững và sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết Net Zero để xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn./.