TP.HCM: Mô hình trồng lúa ST25 hữu cơ cho hiệu quả đầu tiên của huyện ngoại thành Bình Chánh
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, TP. HCM cho biết: Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, việc sản xuất lúa gạo cần tính toán đến kế hoạch sản xuất theo đơn đặt hàng và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho người nông dân. Huyện Bình Chánh khuyến khích các nông hộ chủ động ứng dụng những giống lúa mới, trong đó có ST25, canh tác quy trình hữu cơ để phục vụ theo đơn đặt hàng. Huyện Bình Chánh đang hình thành vùng sản xuất lúa gạo ST25 hữu cơ với quy mô ban đầu hơn 220ha trên địa bàn xã Hưng Long, huyện Bình Chánh.
Trước đó, huyện Bình Chánh đã hình thành mô hình mẫu sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ với diện tích gần 6ha trên địa bàn xã Hưng Long. Với mô hình mẫu này có 7 nông hộ tham gia triển khai ứng dụng canh tác quy trình 4 bước bằng việc bón thủy phân enzyme với vitamin từ ABZ Organic - một loại phân bón enzyme do chính một thành viên Câu lạc bộ sản phẩm OCOP Bình Chánh sản xuất.
Đến nay, mô hình mẫu đang mang lại kết quả rất khả quan, có 1ha lúa hữu cơ sắp thu hoạch, sản lượng ước khoảng 7 - 7,5 tấn/ha. Trong đó, toàn bộ sản lượng gạo từ mô hình mẫu này đã được cam kết bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường. Một số đối tác từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đã có hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ toàn bộ sản lượng phát triển thêm trong tương lai, kèm điều kiện được giám sát toàn bộ quy trình sản xuất này.
Với nhu cầu tiêu thụ lúa gạo hữu cơ và sự định hướng trong chuyển đổi cây trồng của TP. HCM theo hướng nông nghiệp đô thị, nông hộ trên địa bàn huyện Bình Chánh đang tập trung sản xuất cây lúa theo hướng tạo nên đặc sản nhưng phải là sản phẩm hữu cơ. Toàn bộ đều ứng dụng phân bón hữu cơ để không bị tồn dư nhiều loại phân, thuốc trong cây trồng.
Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa tại TP. HCM bị giảm dần theo từng năm vì nhiều lý do như ảnh hưởng bởi các đối tượng dịch hại, giá cả đầu tư đầu vào và chi phí lao động cao, lực lượng lao động có xu hướng chuyển sang làm công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động, tác động của việc lấy đất làm đường, khu công nghiệp, khu dân cư cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần thay đổi, hiệu quả kinh tế đem lại từ cây lúa vẫn không bền vững so với cây trồng, vật nuôi khác.
Trong giai đoạn tới, để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất, hạn chế việc bỏ ruộng, TP. HCM đang tập trung tăng cường công tác khuyến nông bằng cách xây dựng các mô hình sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông nghiệp ở cơ sở và bà con nông dân. Việc Huyện Bình Chánh đang hình thành vùng sản xuất lúa gạo ST25 hữu cơ với quy mô ban đầu hơn 220ha trên địa bàn xã Hưng Long, huyện Bình Chánh là một bước đột phá, hướng đi mới cho cây lúa tại TP. HCM.
Để các mô hình, vùng sản xuất lúa gạo ST25 hữu cơ nói riêng và nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đề nghị các phòng, ban chuyên môn huyện Bình Chánh hướng dẫn, hỗ trợ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà sơ chế nguyên liệu và xây dựng công trình phụ trợ phục vụ cho nông nghiệp; Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, Hội Nông dân huyện Bình Chánh kết nối hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các hợp tác xã; nghiên cứu giống lúa, thí điểm giống lúa Nhật Bản, sử dụng phân hữu cơ để bón, kỹ thuật và làm việc với các hộ dân, thống nhất sự gieo trồng, đảm bảo duy trì sản lượng và chất lượng đạt chuẩn.
Trước đó vào 27/8, ông Trần Văn Nam, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh; ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cùng đại diện các phòng ban chuyên môn đã có buổi khảo sát thực tế hoạt động các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Bình Chánh. Đoàn đã đến khảo sát trực tiếp mô hình trồng hoa lan Dendrobium của hộ Nguyễn Văn Thọ (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh); Hợp tác xã Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh); mô hình Tổ hợp tác trồng lúa ST25 sử dụng phân hữu cơ và sản phẩm OCOP 4 sao Rượu sâm đinh lăng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh).
Thông qua buổi khảo sát, với mong muốn tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình sản xuất nông nghiệp, cũng như hướng dẫn kỹ thuật, giống, áp dụng công nghệ cao để ứng dụng vào phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh, góp phần mang lại sản phẩm chất lượng, giá trị cao.
Hiện nay, trên địa bàn TP. HCM có hơn 5.000ha diện tích canh tác lúa với gần 8.000 hộ trực tiếp sản xuất, tập trung tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức. Đa số các giống lúa được sử dụng chủ lực như OM5451, OM4900, OM6976, OM6162, OM18, nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản ST25, ST24, Nàng hoa 9, nếp IR4625…
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi