Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị:
Nhiều hộ làm bún gặp khó khăn khi phải chuyển đến ở khu sản xuất tập trung
Mục đích xây dựng khu sản xuất tập trung này là để di dời các hộ làm bún ở làng Cẩm Thạch (thôn An Thạch, xã Thanh An), từ đó khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương do chất thải sản xuất bún tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 1 hộ gia đình tự nguyện di dời đến khu sản xuất tập trung làm nhà để ở và tổ chức sản xuất bún, 3 hộ khác xây nhà xong nhưng không thực hiện việc di dời, 1 hộ đang trong quá trình xây nhà.
Chị Nguyễn Thị Gái (45 tuổi) cho biết: “Sau khi được chính quyền vận động, gia đình tôi cũng quyết định lên khu tập trung này làm nhà, sản xuất bún nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường nơi ở cũ (làng Cẩm Thạch - pv), nhưng lên đây cách nơi ở cũ 5km, con cái đi học cũng bất tiện”.
“Chính quyền chỉ hỗ trợ đất, hỗ trợ cho vay lãi suất thấp 200 triệu thì làm sao chúng tôi làm nhà, trong khi giá vật liệu thì tăng nên thời điểm này làm cái nhà ít nhất cũng mất 400 đến 500 triệu rồi. Ngoài khoản được vay 200 triệu đó, gia đình chúng tôi phải vay mượn thêm mới dám lên đây làm nhà. Nhưng với số lượng ngày làm hơn 1 tạ bún thì không biết đến khi nào mới trả hết nợ” chị Gái chia sẻ.
Là nhà lên ở đầu tiên tại khu sản xuất tập trung, bà Nguyễn Thị Sen năm nay đã 74 tuổi cho hay: Trước kia, dưới nơi ở cũ đông vui, giờ lên đây không có ai, khu này thì “lọt thỏm” giữa rừng tràm nên buồn lắm. Các cháu thì phải đi học xa trường, con cái thì hàng ngày phải chở hàng tạ bún đi bỏ các chợ ở Đông Hà cũng xa hơn, vất vả hơn nhiều.
“Năm ngoái (2023) có 4 hộ lên đây xây nhà, nhà thì đã xây xong nhưng 3 hộ kia lại đóng cửa không ở nên chỉ có mình nhà bà. Mặc dù đã có nhà mới ở đây, nhưng ngôi nhà trước đây của bà vẫn ở làng cũ, hiện đang cho người khác thuê chứ không bán để sau này còn có thể về lại. Vì nghề bún nên phải ngậm ngùi lên đây vay mượn làm nhà để ở, để sản xuất bún, chứ bà không muốn lên đây đâu” bà Sen trải lòng
Cũng như nhiều hộ làm bún ở thôn An Thạch, nghề này đã gắn bó với ông Nguyễn Đình Anh (53 tuổi) hàng chục năm nay!. “Khu sản xuất tập trung nằm khá xa, bây giờ gia đình tôi muốn di dời thì phải vay mượn, bỏ ra số tiền lớn đầu tư làm nhà rồi đến đầu tư xưởng sản xuất. Trong khi bây giờ tuổi tôi đã cao, hằng ngày chỉ sản xuất hơn 1 tạ bún để trang trải chi phí sinh hoạt, con cái cũng không theo nghề này nữa nên việc di dời lên nơi ở mới là một quyết định khó khăn”.
Theo ông Trần Hoài LInh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân đến nơi sản xuất mới, ngoài việc cấp đất, UBND huyện Cam Lộ cam kết, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách, xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi từ 100-200 triệu đồng/hộ, hỗ trợ bà con khoan giếng... Ngoài ra chỉ đạo UBND xã Thanh An tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân làm bún khẩn trương di dời lên khu tập trung để sản xuất. Đối với những hộ không tiếp tục sản xuất bún UBND xã yêu cầu các hộ dân báo cáo, gửi đơn đến UBND xã.
“Có thể thấy việc di dời các làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là một chủ trương đúng, được nhiều người đồng thuận. Qua đó phát huy hiệu quả, bảo tồn phát triển làng nghề bún Cẩm Thạch và nâng cao thu nhập cho các hộ dân sản xuất trong làng nghề gắn với công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chí liên quan đến môi trường trong xây dựng nông thôn mới của huyện và của xã Thanh An. Tuy nhiên, cần xác định lộ trình di dời cụ thể và có hướng hỗ trợ tốt nhất để các hộ sản xuất có điều kiện, động lực di dời. Ngoài ra, những hộ dừng việc sản xuất bún, không di dời ra nơi ở mới cần UBND xã quan tâm, chuyển đổi nghề phù hợp để họ vươn lên trong cuộc sống. Đối với những hộ không thực hiện việc di dời mà tiếp tục sản xuất, cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức lấy mẫu quan trắc, xử lý theo Luật Môi trường”, ông Trần Hoài Linh cho hay.