Giáo dục - hướng nghiệp

Huyện Điện Biên chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ngọc Thượng - 09:54 11/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nông dân có nghề thì việc phát triển sản xuất mới mạnh, chính vì thế xác định đào tạo nghề cho hội viên nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn.
TIN LIÊN QUAN

Nông dân vững nghề nhờ được “cầm tay chỉ việc”

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học sao cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương luôn được các cấp Hội Nông dân huyện Điện Biên chú trọng. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều người được tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Lớp dạy nghề trồng nấm ở bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông, có 35 học viên do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Điện Biên), 35 học viên lớp dạy nghề trồng nấm là người dân ở bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên đều đã có thể tự tay hoàn thành những bịch nấm sò đầu tiên. Khuôn mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi vì đã nắm được kỹ thuật cơ bản về trồng nấm để tương lai có thể tự trồng nấm tại nhà, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Người dân ở bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) tham gia khóa đào tạo nghề trồng nấm. Ảnh Vũ Lợi

Gia đình bà Lò Thị Thắm, bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) hiện có hơn 4.000m2 ruộng và gần 2ha nương trồng ngô, sắn. Dù công việc đồng áng khá bận, thế nhưng bà vẫn dành thời gian tham gia lớp học nghề trồng nấm với mong muốn có thêm sinh kế, tạo việc làm mới cho mọi người trong gia đình. Từ kiến thức, kỹ thuật học được, bà Thắm dự định sẽ tập hợp chị em trong bản cùng nhau trồng nấm, ngoài phục vụ bữa ăn gia đình còn mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Với lớp trồng nấm học viên sẽ được giảng viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Giảng viên hướng dẫn cụ thể, tỷ mỷ các kỹ thuật và phương pháp xử lý nguyên liệu, nuôi cấy meo giống; Kỹ thuật ươm sợi nấm, cách chăm sóc nấm trong quá trình sinh trưởng, thu hoạch. Công tác sơ chế và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nấm thương phẩm. Kỹ năng lựa chọn loại nấm thích hợp theo mùa vụ và nhu cầu thị trường để nuôi trồng nấm.

Với ao cá có diện tích 1.500m2, ông Lò Văn Khụt, bản Huổi Phúc, xã Noong Luống đã  áp dụng tốt những kiến thức đã tiếp thu được từ lớp đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt trong ao hồ, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 2 năm về trước. Đến nay đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hai năm trở lại đây, ao cá này của gia đình đã cho thu hoạch 3 vụ cá, mỗi vụ thu hơn 2 tấn. Trừ chi phí, gia đình thu lợi khoảng 120 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên cho biết, với lực lượng lao động nông thôn khá đông đảo, huyện Điện Biên đã và đang tập trung mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Trong 2 năm trở lại đây, huyện đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.100 lao động nông thôn.

Trên 80% lao động qua đào tạo nghề đã có việc làm

Từ năm 2020 đến nay, huyện Điện Biên đã phối hợp tổ chức hơn 30 lớp dạy nghề, đào tạo cho gần 1.100 lao động; trong đó trên 80% lao động qua đào tạo nghề đã có việc làm và áp dụng kiến thức đã học vào phát triển sản xuất.

Thông qua các lớp dạy nghề nhằm góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt tạo điều kiện giúp cho hội viên nông dân tăng thu nhập, đồng thời cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, góp phần cùng các cấp, các ngành hoàn thiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn xóm nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Mô hình trồng bí xanh của HTX Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, xã ThanhYên, huyện Điện Biên là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vinh Duy

Theo ông Trần Văn Hải - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Điện Biên, được sự quan tâm của Đảng nhà nước Hội Nông dân huyện đã phối hợp tổ chức được nhiều khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại nhiều xã trên địa bàn huyện Điện Biên, đã có hàng chục lớp được mở và đào tạo được hàng trăm người. Hiệu quả sau đào tạo 80% có việc làm và tạo việc làm. Từ đó, nâng cao được thu nhập và cải thiện đời sống gia đình.

“Năm 2022, căn cứ vào kế hoạch, chúng tôi đã tuyên truyền, tuyển sinh tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Căn cứ vào nguồn kinh phí của địa phương chúng tôi đã phối hợp mở được 5 lớp, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ mở thêm khoảng 25 lớp, chủ yếu là trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng. Để việc đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn đạt hiệu quả, các địa phương trên địa bàn huyện Điện Biên sẽ chú trọng đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và hình thức dạy nghề phù hợp nhu cầu của người học, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn” - ông Trần Văn Hải cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác