Giải trí

Khai mạc “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ 2 tại thành phố Huế

Bùi Ánh - 13:02 22/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà”, đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại lễ khai mạc.

Chiều tối 21/4, tại thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ khai mạc "Ngày sách và văn hóa đọc" lần thứ 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày sách

Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, trong khuôn viên Hoàng thành Huế, địa điểm trước đây là Quốc Tử Giám, nơi đào tạo sỹ phu, nhân tài của đất nước suốt một giai đoạn dài lịch sử, nơi biểu tượng cho tinh thần “tôn sư, trọng đạo, yêu chữ, quý sách” của truyền thống dân tộc.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa;  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: Xây dựng văn hóa, khuyến học…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2

Đồng thời Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Tôi tin tưởng rằng, các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức hôm nay và trong những ngày tới tại Thành phố Huế cũng như khắp mọi miền Tổ quốc thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống: tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách”.

Những việc phải làm về văn hoá đọc là khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Văn hóa đọc là một trong những truyền thống quý báu cần được phát huy để có thể phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay là “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo”; “Sách cho tôi, sách cho bạn”; “Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới”. 

Theo Bộ trưởng đổi mới trong nhận thức, đổi mới trong sáng tạo, đổi mới trong phương thức xuất bản, đổi mới trong cách tiếp cận bạn đọc để sách vẫn là sách, nhưng đa dạng hình tướng, đến được hàng triệu người, để xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng dân tộc hoá nhưng vẫn phải hiện đại hoá bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hoá thông qua đa nền tảng số.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác