Thời sự trong nước

Khẳng định và triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam

07:29 10/05/2022 GMT+7
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong 2 ngày 12-13/5 tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến (ngày 26/10/2021), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ có tầm quan trọng đặc biệt với tương lai của khu vực

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) từ ngày 11-17/5/2022.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ

Chuyến công tác của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác ASEAN – Hoa Kỳ  được thiết lập từ năm 1977, trải qua nhiều giai đoạn, đạt kết quả khả quan trên các bình diện khác nhau, cả trong hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Sau 45 năm, lòng tin được nâng cao, thương mại - đầu tư được tăng cường, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh.

Hai bên thường xuyên có những trao đổi ở các cấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ thường niên, Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)...

Hoa Kỳ là bạn hàng lớn của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại ước tính đạt 362 tỷ USD năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Hoa Kỳ cũng là nhà cung cấp FDI lớn nhất tại Đông Nam Á trong nhiều năm.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, việc củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ là rất cần thiết, là quan tâm chung của cả hai bên, trong đó có cá nhân Tổng thống Joe Biden.

Trên tinh thần đó, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ, lãnh đạo các nước ASEAN đã nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ.

Hoạt động này là sự tiếp nối trao đổi cấp cao giữa ASEAN và Hoa Kỳ, khẳng định những cam kết của hai bên về hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại và tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai bên.

ASEAN và Hoa Kỳ đã từng tổ chức Hội nghị tại Sunnylands, Hoa Kỳ vào năm 2016. Sau đó, hai bên cũng nhất trí tổ chức Hội nghị vào tháng 3/2020 nhưng buộc phải hoãn do dịch COVID-19.

Dự kiến tại Hội nghị này, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cùng nhìn lại và đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt, ASEAN và Hoa Kỳ dự kiến cũng sẽ có các phiên thảo luận riêng, chuyên sâu về những nội dung hợp tác cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững…

Phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ, phù hợp tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này, đóng góp vào các nội dung thảo luận, trao đổi trên tinh thần chân thành, tin cậy và hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo Việt Nam gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 25/8/2021

Thêm nhiều dự án đầu tư lớn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã có những bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập và phát triển giàu mạnh, mong muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một tầm mức mới.

Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh và ổn định, đạt hơn 11 tỷ USD trong 2021, tăng gần 21 tỷ USD so với 2020. Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với 1.135 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.

Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...

Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29/3/2022, Tập đoàn Vinfast của Việt Nam ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina.

Hai nước tích cực hợp tác trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch. Hoa Kỳ đứng đầu trong số các nước cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, đã viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này cùng với nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch khác. Khi tình hình chống dịch tại Hoa Kỳ cấp bách, Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang vải kháng khuẩn được phía Hoa Kỳ trân trọng và đánh giá cao.

Hợp tác quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, đào tạo, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hợp tác giữa Việt Nam và LHQ có ý nghĩa to lớn

Trong 45 năm qua kể từ khi gia nhập LHQ (tháng 9/1977), Việt Nam luôn là thành viên trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của LHQ, nổi bật là thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hệ thống phát triển LHQ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2017-2021, LHQ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 423 triệu USD trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đại dịch COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức LHQ.

Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng LHQ thông qua. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của LHQ và 1 triệu USD cho COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của LHQ.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải methane, Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 và 1 đội công binh; là một trong những nước có tỉ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.

Hiện hai bên đã thông qua Khung hợp tác chiến lược giữa Việt Nam – LHQ giai đoạn 2022-2026 với các lĩnh vực trọng tâm là phát triển xã hội bao trùm, chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường, chuyển đổi nền kinh tế và quản trị với tổng ngân sách là hơn 542 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với giai đoạn 2017-2021.

Trong 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ có ý nghĩa to lớn từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hợp tác Việt Nam - LHQ đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và "dấu ấn" đóng góp của Việt Nam tại LHQ.

Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.

Trong khuôn khổ Hội nghị COP26 tại Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ António Guterres, ngày 1/11/2021

Cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đề cao vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác của ASEAN với Hoa Kỳ, một đối tác quan trọng của ASEAN.

Chuyến thăm được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh...

Chuyến thăm thể hiện cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam với hòa bình và  ổn định trên thế giới, góp phần củng cố quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam – LHQ trong bối cảnh Việt Nam và LHQ đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác (1977-2022); đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của LHQ đối với các lĩnh vực Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tự cường sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu SDG, triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình.

Chuyến thăm cũng nhằm triển khai "Kết luận số 12 – KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới", thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, mong muốn kiều bào tiếp tục gắn bó với đất nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục
Tin khác