Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Khoa học công nghệ là nền tảng để xây dựng nông thôn mới

Hoàng Tính - 07:29 04/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 03/10 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và triển khai một số nhiệm vụ trong tâm giai đoạn 2021-2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến trên phạm vi cả nước. Chủ trì tại đầu cầu Hà Nội có ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Triển khai chương trình Khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong 5 năm qua (2016-2021), trên phạm vi cả nước đã có trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành với 80 bộ tài liệu hoặc sổ tay hướng dẫn; 152 bài báo khoa học. 100% các nhiệm vụ KHCN có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, áp dụng vào thực tế XDNTM. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền.

Các đại biểu tại đầu cầu Hà Nội tham dự Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và triển khai một số nhiệm vụ trong tâm giai đoạn 2021-2025

Nhờ đó, các mô hình sản xuất đều tăng từ 25% hiệu quả trở lên, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Thông qua các đề tài, dự án, 11.000 lượt người đã được đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ, vượt chỉ tiêu đề ra (10.000 lượt người).

Từ 84 nhiệm vụ ở giai đoạn II (2016-2020), số đề tài, dự án tham gia nghiên cứu từng nhóm nội dung cộng lại lên tới trên 180 nhiệm vụ, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực; hoàn thiện 97 quy trình sản xuất và công nghệ để chuyển giao vào sản xuất; xây dựng được 208 mô hình các loại…

Có thể khẳng định rằng chương trình KHCN đã góp phần phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ XDNTM trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp XDNTM; thúc đẩy tái cơ cấu và tăng trưởng ngành Nông nghiệp; thực hiện các tiêu chí NTM; đóng góp vào đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho các đối tượng tham gia XDNTM…

Phát biểu tại điểm cầu Yên Bái, ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Để cho các đề tài, dự án KHCN sau khi kết thúc được nhân rộng và phát triển, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết 69 để nhân rộng các đề tài khoa học trên địa bàn. Chính vì vậy KHCN đã góp phần quan trọng vào phát triển ngành Nông nghiệp ở địa phương. Đến nay Yên Bái đã có 147 sản phẩm Ocop; 88/150 xã đạt nông thôn mới, 3/9 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành XDNTM.

Đồng quan điểm với ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá cho biết: Bước vào thực hiện XDNTM 2016-2021, các đề tài KHCN được triển khai đã là người bạn đồng hành của chương trình XDNTM; triển khai ứng dụng các đề tài KHCN đã góp phần thay đổi diện mạo ngành Nông nghiệp Xứ Thanh (góp phần nâng cao năng xuất chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: Dưa lưới, cây gai xanh, cây mía, cây sắn, đàn bò sữa, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất VietGap…). Đến nay Thanh Hoá đã có 12 huyện về đích nông thôn mới, toàn tỉnh có 236 sản phẩm Ocop.

Để phát huy hiệu quả chương trình KHCN, giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các đề tài, dự án triển khai phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nội dung, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 923/QĐ-TTg ngày 2-8-2022, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM…

KHCN phải góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp giàu cảm xúc. (Ảnh I.T)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong XDNTM phải song hành để chuyển hoá được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học trong XDNTM phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp.

Việc tập trung làm các đề tài lớn hay nhỏ? Là câu hỏi đã được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Hiện nay, các bước xây dựng, xét duyệt đề tài đang mất rất nhiều thời gian, bên cạnh đó thời gian triển khai giai đoạn 2021-2025, củng chỉ còn có 3 năm. Do đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cần tham mưu nhanh chóng kịp thời với Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM xây dựng danh sách đề tài trước, sau đó trao đổi, bàn bạc, rút gọn và thực hiện các bước tiếp theo để rút ngắn thời gian thực hiện đề tài.”

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Việt Nam cũng gợi mở thêm: Một đề tài KHCN gắn với nông nghiệp hay, phải là đề tài dễ ứng dụng rộng ở nhiều địa phương khác nhau, tạo liên kết và khơi dậy tiềm năng ở các địa phương. Giờ đây “Ít hơn-nhưng phải được nhiều hơn” sản phẩm nông nghiệp ít nhưng mang lại giá trị (kinh tế, khoa học, cảm xúc người tiêu dùng, thị trường…) cao đó mới chính là cái cần làm của KHCN. Mong rằng mỗi đề tài KHCN đến với người nông dân chính là cơ hội giúp người nông dân nâng cao tri thức, tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp và XDNTM phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác