Không ít công chức, viên chức nửa mừng, nửa lo với cải cách tiền lương
Từ 1/7, cải cách chính sách tiền lương, việc trả lương sẽ theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Để xây dựng được hệ thống bảng lương mới, phải hoàn thành vị trí việc làm, đây là việc được các đơn vị tích cực thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn chưa xây dựng được vị trí việc làm để làm cơ sở cải cách tiền lương.
Xác định vị trí việc làm, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng thu nhập là việc khó, bởi đây là hoạt động chưa có tiền lệ. Cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng tiêu chí xếp lương theo vị trí việc làm và kết quả công việc cần được cụ thể hóa như thế nào? Làm thế nào để vị trí việc làm đong, đo được đúng khối lượng và chất lượng công việc để từ đó làm cơ sở tính tiền lương? Phóng viên đã phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ về vấn đề này.
PV: Thưa Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, dựa vào thực tế hiện nay, vướng mắc lớn nhất của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị khi xây dựng vị trí việc làm là gì?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Vừa rồi tôi có đi theo đoàn giám sát của Quốc hội về Hải Phòng, Phú Thọ làm việc. Các địa phương đều báo cáo vừa hoàn thành xong các đề án về vị trí việc làm. Khi được hỏi hoàn thành như thế nào, chất lượng ra sao thì các đồng chí đều nói là căn cứ vào biên chế đã được giao, đây có thể nói đúng là theo nghĩa “đẽo chân cho vừa giày”. Có thể thấy, cách làm này chưa theo chuẩn cơ sở khoa học và đây cũng là tình trạng chung hiện nay.
Qua theo dõi, hiện nay ở các bộ ngành trung ương chỉ còn 2-3 đơn vị, địa phương cũng chỉ có 2 nơi chưa xong đề án vị trí việc làm, thế nhưng chất lượng của các đề án này chưa thỏa đáng. Bởi vì vướng mắc nhất của các bộ, ngành, địa phương này là không biết làm như nào để xác định chuẩn vị trí việc làm, gắn với đó là không có hướng dẫn để thực hiện. Bên cạnh đó, các bộ ngành và địa phương đều chịu áp lực từ câu chuyện giảm biên chế theo quy định của Trung ương.
PV: Có 1 thực tế là không ít công chức viên chức đang nửa mừng nửa lo với cải cách tiền lương, họ lo là khi lương mới theo vị trí việc làm thì sẽ cắt bỏ hết phụ cấp trách nhiệm thâm niên nên dù có tăng 32% thì thực chất tiền lương nhận được cũng không hơn lương cũ là bao nhiêu và họ cũng rất băn khoăn đề xuất của Bộ Nội vụ cần được hiểu là lương hay là thu nhập. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Về mặt nguyên tắc thì Nghị quyết TW và các bước chuẩn bị đều khẳng định, cải cách tiền lương lần này lương sẽ tăng lên 32% và thu gọn lại các chế độ phụ cấp, chỉ còn 9 lần phụ cấp thôi. Có thể có những công chức, viên chức băn khoăn các phụ cấp mình đang hưởng nhưng với lần cải cách này có khi lại không được hưởng nữa. Lương lần này được thiết kế: 70% là lương cơ bản, 30% phụ cấp và 10% thưởng. Tôi theo dõi các đợt cải cách tiền lương từ trước đến nay, thì thấy không có câu chuyện với cải cách mới mà người đang hưởng lương lại bị thụt đi. Vậy nên theo nguyên tắc thì không đáng lo ngại lắm.
PV: Để việc xác định vị trí việc làm có ý nghĩa thực chất cho việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức, làm tiền đề cho cải cách tiền lương mới thì theo ông, đâu là giải pháp căn cơ và từng cơ quan đơn vị cần lưu tâm vấn đề gì?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Vấn đề căn cơ quan trọng vẫn là xác định chuẩn vị trí việc làm. Thế nhưng hiện nay thì phương pháp này đang thiếu. Chúng ta đang thiết kế mẫu "vị trí việc làm dùng chung", như tất cả những người làm công tác liên quan đến tổ chức cán bộ ở bộ, ngành, địa phương thì sẽ rơi vào vị trí việc làm định sẵn từ Trung ương; vị trí việc làm chuyên ngành như những người làm ở ngành Nội vụ, làm ở Bộ Kế hoạch & đầu tư, sở kế hoạch- đầu tư các tỉnh,… thì vị trí việc làm đóng khuôn theo những vị trí việc làm của các lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
Có lẽ đây là điểm khá đặc thù của Việt Nam nước ta, chia vị trị việc làm theo vị trí việc làm chung, vị trí việc làm chuyên ngành. Đây cũng là điểm gây khó cho bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch cụ thể. Ví dụ như hiện nay biên chế có hạn, các phòng ở huyện xác định vị trí việc làm theo kiểu này thì cực kỳ khó vì nhiều lĩnh vực, công việc đan xen nhau ở 1 vị trí, thì rất khó có 1 vị trí riêng như ở cấp tỉnh, cấp Trung ương. Chúng ta phải có hướng dẫn để cân đong do đếm, đặc biệt là việc định ra mức độ phức tạp của công việc dẫn đến các ngành tương ứng. Do đó, đòi hỏi các bộ, ngành, Trung ương phải có hướng dẫn cụ thể để giải quyết vấn đề này. Lúc đó chúng ta mới có hy vọng xác định được vị trí việc làm chuẩn, lúc ấy mới tính được biên chế chuẩn. Lúc đó mới có cơ sở giảm biên chế như thế nào.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo VOV